Ngày xửa ngày xưa, lãnh chúa xứ Omura và vợ sinh được một người con trai. Lãnh chúa vô cùng vui mừng và đặt tên đứa bé là Mamichigane. Nhưng không may, năm Mamichigane lên ba, mẹ cậu mất đi. Không lâu sau đó, lãnh chúa lấy vợ mới.
Năm Mamichigane lên chín tuổi, lãnh chúa có việc phải đi Edo nên vắng nhà ba tháng. Ông dặn dò vợ:
– Trong lúc ta vắng nhà, nàng không phải làm gì hết. Chỉ cần thay ta chải tóc cho Mamichigane mỗi ngày là được.
Nói rồi lãnh chúa lên đường.Ngày xửa ngày xưa, lãnh chúa xứ Omura và vợ sinh được một người con trai. Lãnh chúa vô cùng vui mừng và đặt tên đứa bé là Mamichigane. Nhưng không may, năm Mamichigane lên ba, mẹ cậu mất đi. Không lâu sau đó, lãnh chúa lấy vợ mới.
Năm Mamichigane lên chín tuổi, lãnh chúa có việc phải đi Edo nên vắng nhà ba tháng. Ông dặn dò vợ:
– Trong lúc ta vắng nhà, nàng không phải làm gì hết. Chỉ cần thay ta chải tóc cho Mamichigane mỗi ngày là được.
Nói rồi lãnh chúa lên đường.
Ngay sau khi con thuyền chở lãnh chúa rời cảng, người mẹ kế lập tức thay đổi thái độ, quay ra hành hạ Mamichigane không thương tiếc. Hàng ngày, bà ta bắt cậu:
– Nào! Lên núi kiếm củi về đây cho ta! Cậu vừa xong việc quay về thì:
– Lo dọn vườn đi!
Cậu bé phải làm việc liên tục mà không được nghỉ ngơi. Đương nhiên, bà ta chẳng hề chải gội cho cậu lấy một lần. Đầu Mamichigane đầy chấy rận.
Ba tháng trôi qua, đã đến ngày con thuyền chở lãnh chúa về đến. Mamichigane nhắc mẹ kế:
– Mẹ ơi, chúng ta đi đón cha thôi! Nhưng bà mẹ kế nói:
– Ngươi đi trước đi! Ta bới tóc rồi ra sau!
Mamichigane vừa đi khỏi thì bà ta lấy dao cạo tự đâm vào mặt mình, rồi trùm chăn nằm ngủ. Mamichigane ra tận thuyền đón cha. Lãnh chúa rất ngạc nhiên khi thấy cậu dơ bẩn:
– Sao con lại lôi thôi, lem luốc thế này?
– Tại mẹ không chăm cho con ạ!
– Mẹ đâu?
– Mẹ nói để mẹ bới tóc rồi ra đón cha sau.
Nhưng chờ mãi không thấy bà ta ra. Lãnh chúa cùng Mamichigane quay về nhà. Người vợ vẫn còn đang trùm chăn nằm đó.
– Đã biết ta về đến, sao nàng không ra thuyền đón mà lại nằm ngủ như vậy? Có chuyện gì?
Lãnh chúa hỏi đến thì bà ta ló mặt ra khỏi chăn:
– Hãy nhìn xem con của chàng đã làm gì thiếp? Thuyền đưa chàng vừa rời khỏi là thằng nhỏ cứ luôn miệng chửi mắng “bà mẹ kế này”, “bà mẹ kế nọ” rồi lấy dao cạo làm thiếp bị thương. Thiếp không thể ra ngoài với bộ mặt thế này nên đành ở nhà, không đi đón chàng được.
Không kịp hỏi cặn kẽ đầu đuôi sự việc, lãnh chúa tức giận:
– Một đứa con bất hiếu như ngươi, hãy đi đâu cho khuất mắt ta!
Nói rồi ông lựa con ngựa khỏe nhất, chọn bốn chiếc áo kimono thật đẹp trong số quà từ Edo đem về quẳng cho Mamichigane và đuổi cậu ra khỏi nhà. Mamichigane mặc kimono, cưỡi ngựa, đi về hướng Nam.
Đi mãi, đi mãi, cậu đến một dòng sông dài ngàn dặm, rộng chừng một dặm. Mamichigane nghĩ bụng: “Sông dài rộng thế này, biết lên thượng nguồn hay xuống hạ nguồn đây?”
Rồi cậu đánh liều:
– Ngựa của Mamichigane này, thử một phen xem!
Nói rồi cậu quất một roi vào mông ngựa. Không phụ lòng cậu, con ngựa nhẹ nhàng phóng băng qua dòng sông rộng.
Mamichigane lại đi, đi mãi, đến khi gặp một ngọn núi hoa gai cao như xuyên thủng chín tầng mây. Ngọn núi lớn khiến cậu không biết nên đi về bên trái hay rẽ về bên phải. Rồi cậu lại quất một roi vào con ngựa:
– Ngựa của Mamichigane này, thử một phen xem!
Con ngựa gật đầu; cậu quất thêm roi nữa, con ngựa bay qua đỉnh núi.
Sau đó Mamichigane lại đi, đi mãi, cho đến khi gặp một ông lão đang cắt cỏ trên cánh đồng lúa.
– Ông lão ơi! Ông lão! Trong làng có nhà nào cần người làm thuê không ạ?
– Nhà địa chủ đằng Tây có ba mươi lăm người làm mà chẳng may một người vừa mất, hôm nay là tròn tuần thất đầu tiên. Cậu thử đến nhà đó hỏi xem. Nhưng không biết liệu có ai đi thuê một người mặc kimono đẹp như thế, lại cưỡi con ngựa mạnh khỏe thế này không nhỉ?
– Vậy ông đổi bộ đồ làm ruộng với bộ kimono này giúp cháu!
– Không được đâu! Tôi mà mặc bộ kimono đẹp như thế này sẽ bị trời phạt mất. Tôi cho cậu bộ đồ làm nông này.
– Ông lão à! Là cháu nhờ ông mà! Xin hãy đổi cho cháu. Với lại, ông cho cháu mượn một cái rương nhé. Cháu muốn cất mấy bộ kimono đem theo đây cùng cái yên ngựa.
– Được thôi!
Ông lão nói, rồi đổi bộ đồ cho cậu. Không những thế, ông còn cho cậu mượn cả rương. Mamichigane mặc bộ đồ làm nông vào rồi cất ba bộ kimono còn lại cùng chiếc yên ngựa vào rương. Cậu thả con ngựa vào rừng trúc rộng cách đó chừng một dặm, rồi nhờ ông lão dắt đến nhà địa chủ phía Tây.
Mamichigane nói:
– Xin hãy cho tôi làm việc ở đây!
May mắn là địa chủ nhận lời ngay. Cậu vào làm công cho nhà địa chủ. Nhưng vừa đi cắt cỏ thì cậu đã quay về nói với chủ nhân:
– Tôi toàn cắt trúng tay, không đi cắt cỏ được. Hãy cho tôi dọn vườn. Ông chủ đồng ý thì lần này:
– Tay tôi chai sần cả, không làm vườn được. Xin ông cho tôi làm bếp. Ông chủ đành nói:
– Thôi, ngươi muốn làm gì tùy thích.
Thế là Mamichigane hỏi mượn bảy người làm công và xin một ngày nghỉ. Cậu phân công một người khuân đất, một người vác đá, hai người gánh nước, một người cắt rơm, hai người còn lại thì cho nặn đất và làm ra bảy cái bếp. Sau đó, cậu nấu cơm ngày ba bữa từ bảy bếp lò này. Cơm nấu ra thật mau chóng. Từ trước đến nay, ở nhà địa chủ, cơm sáng thì đến trưa mới có, cơm trưa thì đến chiều tối mới có, cơm tối thì phải đến nửa đêm mới được ăn. Nên lần này, nhờ cậu mà sáng ngủ dậy mọi người được ăn sáng đúng giờ, đến trưa có cơm trưa, chiều tối mặt trời lặn là có cơm tối, không phải đợi chờ. Ông chủ vô cùng vui mừng:
– Ta đã tìm ra quản bếp rồi. Ngươi hãy ở đây làm việc cho ta luôn! Cho đến ngày nọ, có lễ hội trong vùng, ông chủ bảo chàng quản bếp:
– Ngày mai ta sẽ đi xem kịch, hãy lo bữa sáng sớm hơn hôm nay một chút và chuẩn bị cơm hộp cho ta.
Hôm sau, trời tờ mờ sáng là Mamichigane đã dậy sớm, nấu cơm, chuẩn bị bữa trưa đem theo. Ông chủ nói:
– Quản bếp, ngươi đi cùng ta chứ! Nhưng Mamichigane nói:
– Hôm nay là ngày giỗ ba năm của mẹ tôi. Tôi không thể đi đến những nơi hội hè, vui chơi được ạ.
– Vậy ngươi ở nhà trông nhà. Chúng tôi đi xem kịch.
Nói rồi ông chủ cho hết thảy người trong nhà đi theo. Mọi người vừa đi khỏi thì quản bếp cởi bộ đồ làm nông lấm lem ra, đi tắm gội sạch sẽ. Sau đó, cậu đến nhà ông lão dạo nào, mặc bộ kimono tuyệt đẹp, mang đôi guốc vững chãi rồi gọi con ngựa từ rừng trúc về, gắn yên và lên đường. Cậu đến khu lễ hội, đứng bên phía Bắc sân khấu và hét vang:
– Hãy xem ngựa của Mamichigane bay! Rồi quất roi.
Con ngựa bay qua phía nam sân khấu. Khán giả đang xem kịch vô cùng kinh ngạc:
– Ôi! Thần linh giáng trần! Mọi người mau đứng dậy bái lạy thôi!
Mọi người nháo nhào, đồng loạt bái lạy chàng quản bếp. Duy có cô con gái của địa chủ nói:
– Ủa! Là quản bếp nhà ta mà. Bên tai trái có dấu đen kìa! Điạ chủ nghe vậy gạt ngang:
– Đừng vô lễ với thần linh! Mau bái lạy đi! Người con gái vừa lạy vừa cười khúc khích.
Quản bếp quay về trước mọi người, lại thả con ngựa vào rừng trúc, gửi bộ kimono lại nhà ông lão, thay bộ đồ làm nông và kê cái đút lò bằng tre làm gối ngủ. Ông chủ về đến, gọi:
– Quản bếp! Quản bếp! Mau mở cổng! Cậu ra mở cổng thì ông chủ nói:
– Phải chi ngươi đi theo ta. Hôm nay có thần linh giáng trần xuống chỗ diễn kịch, mọi người đều bái lạy.
– Có chuyện như vậy thật ạ? Phải chi tôi cũng đi theo nhỉ.
– Ngày mốt lại có kịch nữa. Ngươi nhớ dậy sớm làm cơm, chuẩn bị cơm hộp nhé. Hôm đó, chàng quản bếp lại dậy sớm, chuẩn bị cơm nước cho mọi người.
– Ngươi cũng đi chứ?
– Hôm nay là ngày giỗ của ông tôi. Tôi không thể đến những nơi vui chơi được ạ.
Ông chủ lại để quản bếp ở nhà một mình, dắt toàn thể gia nhân đi. Mọi người vừa đi khỏi thì quản bếp lại cởi đồ, tắm rửa sạch sẽ. Sau đó, cậu đến nhà ông lão lấy kimono
mặc vào, chân mang guốc, gọi ngựa từ rừng trúc về và gắn yên cương. Vừa lúc đó, con gái địa chủ vì quên hài nên quay về nhà một mình. Chàng quản bếp đành cho cô cưỡi ngựa cùng và lên đường. Cậu đứng ở phía đông sân khấu:
– Hãy xem ngựa của Mamichigane bay!
Cậu hét lớn, quất roi. Con ngựa bay sang phía Tây. Khán giả đang xem tuồng đồng loạt đứng dậy, vui mừng bái lạy:
– Hôm nay thần linh đi cùng vợ!
Chàng quản bếp và con gái địa chủ quay về trước. Mamichigane lại thả ngựa về rừng trúc, thay áo xống và lại nằm ngủ, đầu gối trên ống đút lò bằng tre. Con gái địa chủ thì kêu đau lưng và rút vào góc phòng. Địa chủ về đến, kể:
– Phải chi hôm nay dắt ngươi theo! Thần linh còn dắt cả vợ đến đấy!
– Có chuyện đó thật sao ạ? Biết vậy tôi xin đi theo cùng thì hay biết mấy.
Chàng quản bếp trả lời. Ông chủ vào nhà thì thấy con gái đang kêu đau lưng. Ông định cho gọi thầy thuốc thì cô gái bảo:
– Cha đừng gọi thầy thuốc mà hãy gọi nữ pháp sư! Người cha cho gọi nữ pháp sư đến, bà ta phán:
– Đây là bệnh do cô chủ có duyên với một người làm thuê trong nhà. Hãy cho mười bảy người con trai làm thuê trong nhà, chuẩn bị tươm tất đến gặp cô chủ. Chắc chắn cô chủ sẽ tìm ra được người có duyên nợ với mình.
Ông chủ cho mười bảy thanh niên làm thuê trong nhà đến gặp cô chủ nhỏ. Thế nhưng, cô chủ chẳng chọn được ai. Người cha lo lắng:
– Trong nhà còn nam gia nhân nào nữa không nhỉ? Đội trưởng lên tiếng:
– Dạ không ạ! Chỉ còn quản bếp lấm lem thôi. Địa chủ ra lệnh:
– Quản bếp cũng giống các ngươi, hãy cho cậu ta chuẩn bị đến gặp con gái ta. Và cho cậu ta bộ đồ cũ của ta.
Chàng quản bếp tắm rửa sạch sẽ, lấy bộ đồ ông chủ cho, lau người rồi ném vào chuồng lợn. Sau đó, lại lấy bộ đồ tốt người khác cho mượn lau người xong lại ném vào chuồng ngựa. Đến chiếc áo khoác đẹp cũng bị cậu dùng làm khăn lau người và ném vào nhà vệ sinh.
Sau đó, quản bếp đến nhà ông lão, thay bộ kimono đã gửi ở đó, mang guốc gỗ, gọi ngựa từ rừng trúc quay về, gắn yên cương và phóng về nhà địa chủ. Ông chủ vô cùng ngạc nhiên khi thấy chàng quản bếp hóa thành một thanh niên khôi ngô tuấn tú, liền cầm tay chàng dẫn vào phòng con gái. Người con gái vừa thấy chàng trai liền mỉm cười, chẳng bao lâu sau, cơn đau cũng biến mất. Người cha nói:
– Ta thật không có mắt nhìn người. Ta sẽ gả con gái cho ngươi, hãy làm rể nhà ta.
Thế là Mamichigane kết duyên cùng con gái duy nhất của nhà chủ. Họ ăn mừng đến ba ngày ba đêm. Đến ngày thứ tư, Mamichigane nói với địa chủ:
-Hãy cho con ba ngày nghỉ. Con muốn về thăm cha mình.
– Chà, ba ngày thì không được đâu. Ta cho một ngày hôm nay thôi. Mamichigane được một ngày nghỉ, lên đường về nhà thăm cha. Vợ chàng hỏi:
– Chàng đi đường biển hay đường rừng? Mamichigane trả lời:
– Đi đường biển thì phải ba ngày mới đến. Đường rừng núi thì chỉ cần một ngày nên ta đi đường rừng.
– Nếu đi đường rừng, quả dâu tằm sẽ rơi xuống yên ngựa. Nhưng nhất định chàng không được ăn quả cây ấy dù cổ họng có khát đến đâu. Nếu chàng yếu lòng ăn quả cây đó thì chúng ta sẽ không còn được gặp lại nhau.
– Ta biết rồi. Nhất định sẽ không ăn quả cây dâu tằm.
Mamichigane chia tay vợ rồi cưỡi ngựa lên đường. Chàng đi đường rừng thì quả nhiên, quả cây dâu tằm rơi trên yên ngựa. Vì đã được vợ dặn kỹ càng nên ban đầu, chàng không hề đụng tới. Thế nhưng, càng đi cổ họng càng khô rát, cuối cùng không nhịn được, chàng ăn một quả. Ngay tức thì, chàng gục chết trên lưng ngựa.
Con ngựa cứ chở Mamichigane đã chết trên lưng mà chạy. Khi leo dốc, nó gập chân trước, khi xuống dốc, nó gập chân sau, cố hết sức để chủ nhân không bị rớt xuống đất. Thế rồi, cuối cùng nó về đến xứ Omura, nơi Mamichigane được sinh ra và lớn lên. Con ngựa chạy đến nhà lãnh chúa, đứng trước cổng hí vang ba hồi:
– Híiii…híiii…híii…!
Lãnh chúa nghe tiếng ngựa hí, bảo vợ:
– Đó là con ngựa của Mamichigane nhưng sao thằng bé lại không gọi “Cha ơi, cha ơi!” mà chỉ có tiếng ngựa hí ba lần. Thật lạ, đi ra xem sao?
Người vợ đi ra mở cổng thì thình lình con ngựa xông vào ăn thịt bà ta. Lãnh chúa thấy xác Mamichigane trên lưng ngựa, nói:
– Không phải người sống trở về, mà lại chết thế này, đã có chuyện gì chứ? Nói rồi, ông cho xác Mamichigane vào thùng rượu rồi đậy nắp lại.
Phần vợ Mamichigane, mãi không thấy chồng về nên nghĩ bụng:
– Đã ba ngày trôi qua. Chắc chàng đã ăn quả cây dâu tằm và chết dọc đường rồi.
Nàng mua khoảng một lít nước “cải tử hoàn sinh” shijuru, rồi lên đường đi tìm chồng. Người vợ chỉ cần nửa ngày để đi hết đoạn đường rừng mà con ngựa phải đi cả ngày, và đến trước cổng nhà Mamichigane:
– Xin lỗi, cho tôi hỏi có phải nhà của Mamichigane đây không? Lãnh chúa bước ra:
– Đúng vậy!
– Nếu vậy, xin hãy cho tôi được nhìn thân thể chàng! Nàng nói nhưng lãnh chúa trả lời:
– Ta không thể cho kẻ lạ mặt nhìn thân thể con ta!
– Xin thưa, tôi không phải là người lạ. Tôi là vợ của Mamichigane. Sau khi trở thành chồng tôi, đến ngày thứ tư, chàng nói về nhà thăm cha mẹ và không quay trở lại nên tôi đã đi tìm. Xin hãy cho tôi nhìn chàng.
– Vậy à? Ta hiểu rồi. Hãy mau vào đi.
Lãnh chúa nói rồi đem xác Mamichigane từ thùng rượu ra. Mamichigane cứ như đang ngủ. Người vợ mau chóng rảy nước shijuru lên toàn thân chàng. Thế rồi, Mamichigane sống lại, nói:
– Ta đã ngủ ngày! Ta đã ngủ đêm!
Người vợ vui mừng:
– Không phải chàng ngủ ngày, cũng không phải ngủ đêm. Thiếp đã dặn chàng nhất định không được ăn quả dâu tằm nhưng chàng cứ ăn nên đã chết đi. Thiếp đã dốc toàn tính mạng để dùng nước shijuru cứu chàng sống lại. Nào, chúng mình về thôi!
Nhưng lãnh chúa lên tiếng:
– Đây là con trai duy nhất của ta. Không thể cho nó đi đâu hết! Người vợ nói:
– Vậy mời cha cùng đi với chúng con. Nhưng Mamichigane nói:
– Con không thể phụng dưỡng hai người cha cùng một lúc. Cha hãy tìm một đứa con nuôi thật tốt. Con phải về nhà vợ, người đã cứu mạng con.
Thế rồi, Mamichigane và vợ quay về nhà địa chủ phía Tây. Cả hai người sống với nhau hạnh phúc đến tận bây giờ.