Nghe kể chuyện cổ tích – Sự tích trái sầu riêng

Ngày ấy, vào thời Tây Sơn, có một chàng trẻ tuổi người vùng Đồng-nai. Chàng là người tài kiêm văn võ, đã từng vung gươm hưởng ứng cái bất bình của mọi người. Chàng từng cầm quân mấy lần làm cho tớ thầy chúa Nguyễn chạy dài.

Nhà Tây Sơn mất, chàng lui về quê nhà mượn nghề dạy trẻ để náu hình ẩn tích. Đột nhiên có tin dữ truyền đến làm cho mọi người xao xuyến. Gia Long vừa thắng thế trên đất nước Việt thì cũng bắt đầu giết hại những người đã từng làm quan cho nhà Tây Sơn. Nhà vua cứ dựa vào chức tước lớn hay nhỏ của họ mà gia hình: tư mã, quận công thì lăng trì, tùng xẻo; vệ úy, phân suất thì đánh gậy, phạt roi, v.v…

Dân trong xóm sẵn lòng quý mến, khuyên chàng trốn đi thật xa. Họ giúp tiền gạo và mọi thứ cần dùng, trong đó có cả một chiếc thuyền nhỏ mui lồng để tiện đi lại.

Vì không muốn để rơi vào tay quân địch, chàng ra đi. Ngược dòng sông Cửu-long, chàng tiến sâu vào nước Chân-lạp.

Một hôm chàng cắm sào lên bộ mua thức ăn. Chàng bước vào một cái quán bên đường. Trong quán có một bà mẹ ngồi ủ rũ bên cạnh một cô gái nằm mê man bất tỉnh. Đó là hai mẹ con đi dâng hương trên núi, về đến đây thì con bị ốm nặng. Vốn có biệt tài về nghề thuốc, chàng hết sức chạy chữa, cuối cùng cũng giúp cô gái lấy lại sức khỏe. Và sẵn có thuyền riêng, chàng chở họ về tận nhà.

Nàng là con gái chưa chồng, đã đến tuổi quay xa đạp cửi. Nàng có vẻ đẹp thùy mị. Tự nhiên có anh chàng trai người Việt ở đâu tận xa xôi đến trú ngụ tại nhà làm cho nàng quyến luyến.

Sau một tuần chay tạ ơn Trời Phật, mẹ nàng cho biết là Phật đã báo mộng cho hai người lấy nhau. Chàng vui vẻ nhận lấy cuộc sống mới cho  qua ngày. Từ đây chàng có chỗ ở nhất định. Nhà nàng là nhà làm ruộng nuôi tằm. Những việc đó chàng đều làm được cả…

Chia sẻ Truyện này