Phân tích truyện cổ tích: Sọ Dừa

I. Truyện cổ là một trong các thể loại văn chương dân gian kể về cuộc đời của một số mẫu nhân vật thuộc các loài thực vật, động vật, những người dị dạng kì tài, những kẻ bất hạnh,… những người khờ khạo… nhằm giải thích tên, đặc tính sinh hoạt hoặc để khuyên bảo con người hướng thiện. Sọ Dừa thuộc vào loại mẫu nhân vật dị hình dị dạng nhưng có kì tài. Thông qua cuộc đời của Sọ Dừa, người đọc nhận ra quan niệm ở hiền gặp lành, ác giả ác báo của người xưa từ ba cô con gái của phú ông, ông chủ giàu có của Sọ Dừa.

II. Phần đầu của truyện giới thiệu tính tình và gia cảnh của cha mẹ Sọ Dừa. Họ là đôi vợ chồng tuổi ngoài năm mươi nghèo, tính tình hiền hậu, đi ở cho một phú ông. Một hôm, người vợ vào rừng hái củi, khát nước nhưng không tìm thấy suối, lại thấy cái sọ dừa đựng đầy nước mưa nằm bên gốc cây. Bà bưng lên uống. Thế rồi bà có mang.

Chuyện mang thai của bà thật kì lạ, kì lạ như bà mẹ cậu Gióng lúc mang thai. Đây là một kiểu hình thành và xuất hiện một số các nhân vật thần thánh, kì tài làm cho cả người lớn lẫn trẻ con đều tò mò muốn nghe, muốn đọc những dòng chữ kế tiếp.

Chẳng bao lâu sau, chồng bà mất. “Bà sinh ra một đứa bé không chân không tay, tròn như một quả dừa. Bà buồn lắm, toan vứt đi thì đứa con bảo: – Mẹ ơi, con là người đấy. Mẹ đừng vứt con đi mà tội nghiệp”.

Lại một chi tiết kì lạ khác xuất hiện. Cậu bé không là người bình thường như mọi người. Và chi tiết ấy đã giải thích vì sao cậu bé mang tên Sọ Dừa. Có người mẹ bình thường nào không buồn khi sinh ra một đứa con dị dạng? Bà mẹ muốn vứt bỏ đi cũng là điều tự nhiên. Nhưng cậu bé van xin mẹ đừng làm điều ấy. Lời cầu xin mà cũng là lời nhắc nhở về mối từ tâm, về thiên chức của người mẹ. Nhờ thế cậu mới được mẹ nuôi.

Tất nhiên với đời sống nghèo khổ, một mình nuôi con lớn khôn tới bảy tám tuổi mà không làm được việc gì thì bà mẹ nào chẳng lo, chẳng than! Sọ Dừa đã nghe được lời than của bà. Thế là cậu bé lên tiếng: “Gì chứ chăn bò thì con chăn cũng được. Mẹ cứ nói với phú ông cho con đến ở chăn bò”. Nghe lời con, bà mẹ đến hỏi phú ông. “Phú ông ngần ngại”. Đó là tâm lí của người có của. Người giàu thường có tính tham. Phú ông so hơn tính thiệt, rồi cuối cùng ông quyết định: “Thôi cứ thử xem!”. Thế là Sọ Dừa đến ở nhà phú ông, lo việc chăn bò.

Nguyên nhân này dẫn đến kết quả nọ, cứ thế mà tiếp diễn câu chuyện. Hình ảnh Sọ Dừa lăn sau đàn bò lúc ra đồng cũng như lúc về chuồng thấy mà buồn cười và dễ thương sao! “Cậu chăn bò rất giỏi”. Đúng là người có tật về hình dáng nhưng lại có tài. Bò con nào con nấy nập mạp, không mất một con khiến “Phú ông mừng lắm”. Chi tiết này giúp chúng ta nhận ra thái độ của phú ông đối với Sọ Dừa đã bắt đầu đổi thay.

Ngày mùa đến, tôi tớ ra đồng làm cả. Đó là nguyên nhân khiến ba cô con gái phú ông phải thay phiên nhau mang cơm ra cho Sọ Dừa. “Hai cô chị ác nghiệt, kiêu kì, thường hắt hủi Sọ Dừa; còn cô em út hiền lành, tính hay thương người, đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế”. Ngắn gọn, câu văn giới thiệu tính nết và thái độ của ba người con gái của phú ông đối với Sọ Dừa.

Một hôm, cô út vừa mang cơm đến dưới chân đồi thì bỗng nghe tiếng sáo véo von. Cô rình xem thì thấy người thổi sáo là một thanh niên tuấn tú. Khi nghe tiếng động, chàng trai biến mất, chỉ thấy có Sọ Dừa.

“Nhiều lần như thế, cô gái biết Sọ Dừa không phải người phàm trần. Cô đem lòng yêu, có của ngon vật lạ đều giấu đem cho chàng”.

Người đọc có thể tự hỏi tại sao hai cô chị không nghe được tiếng sáo mà cô em út lại được nghe? Phải chăng Sọ Dừa đã cảm nhận được tình yêu thương đặc biệt, chân thành mà cô út đã dành cho mình nên đáp lại một cách kín đáo? Rồi chàng lại “giục mẹ đến hỏi con gái phú ông làm vợ”. Bà mẹ có tin được rằng người dị hình dị dạng như chàng có lấy được con gái của phú ông? Nhưng vì thương con, bà đành phải làm theo. Còn phú ông thì cười mỉa, và thách cưới: “Ừ, được! Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng côm, mười tấm lụa dào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây”.

Nghèo rớt mùng tơi như mẹ con Sọ Dừa thì làm gì có được nhưng thứ của cải ấy để hỏi cưới con gái ông. Làm như thế ông khỏi phải nói lời từ chối, cũng khỏi mang tiếng là kẻ hám giàu chê nghèo. Cả đến bà mẹ cũng khuyên con gạt chuyện lấy con gái phú ông đi. Nhưng bà không ngờ nhà có đủ sính lễ, lại có cả chục gia nhân khiêng lễ vật qua nhà phú ông đúng ngày. Tưởng như đã từ chối được, không ngờ đồ sính lễ đã làm ông hoa cả mắt. Lão lúng túng hỏi ý từng người con gái một. Hai cô chị thì tỏ ý chê bai, riêng cô út thì “e lệ, cúi mặt xuống, tỏ ý bằng lòng”; Và phú ông đành nhận lễ. Đúng ngày cưới, Sọ Dừa tổ chức thật linh đình. Tới giờ rước dâu, chẳng ai thấy Sọ Dừa đâu cả. “Bỗng một chàng trai khôi ngô tuấn tú cùng cô út của phú ông từ phòng cô dâu đi ra”. Trước một sự việc lạ lùng như thế tất nhiên ai cũng ngỡ ngàng, ai cũng mừng rỡ, riêng hai người chị thì bắt đầu ghen tức. Đổi lốt sọ dừa thành người, Sọ Dừa chăm lo đèn sách, thi đỗ trạng nguyên. Phần một của truyện coi như kết thúc; kẻ chịu cực khổ, nhọc nhằn đã tìm được hạnh phúc.

Thế nhưng vẫn còn đó sự “ghen tức” của hai người chị. Nhân quan trạng đi sứ, hai cô chị rủ em gái chèo thuyền ra biển. Nghe lời chồng dặn cô út mang theo “hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà”. Ra tới biển xa, hai người chị xô cô em xuống biển, con cá kình nuốt cô vào bụng, sẵn có con dao, cô giết con cá. Cá trôi dạt vào một hòn đảo, cô khoét bụng cá chui ra, lấy hòn đá gầy lửa, nướng thịt cá sống qua ngày. Hai quả trứng nở ra thành hai chú gà làm bạn với cô. Thấy thuyền cắm cờ đuôi nheo chạy qua đảo, gà cất tiếng:

“Ò… ó… o…
Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.”

Thuyền ghé vào đảo, quan trạng gặp lại vợ hiền, về nhà, trạng nguyên mở tiệc chiêu đãi, có mặt hai người chị. Cuối bữa tiệc, quan trạng mới cho gọi vợ ra. Thấy em gái, hai người chị xấu hổ quá bèn lén đi biệt xứ.

III. Truyện chấm dứt ở đó đúng với ý đồ của người kể và tâm lí của người nghe: Người ở hiền thì gặp lành.

Một chuỗi sự việc diễn ra theo phép nhân quả thuận chiều với trục thời gian. Nhân vật, sự việc siêu nhiên thần kì giao hòa với con người, sự việc nơi dương thế khiến truyện hấp dẫn giúp người đọc cảm nhận, và phát triển lòng nhân ái ở mỗi người.

* Ghi chú:
– Truyện cổ tích: Thể loại văn chương dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật thuộc các loài thực vật, động vật,… những người dị hình kì tài, những người bất hạnh, thông minh, khờ khạo…

Truyện cổ tích thường có yếu tố hoang đường, thể hiện ước mơ, niền tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự công bằng đối với sự bất công.

– Sọ Dừa thuộc loại truyện thần kì kể về cuộc đời của nhân vật dị hình, dị dạng nhưng có tài năng và đức độ, đồng thời biết thêm một số nhân vật hiền hậu, những kẻ độc ác. Qua những nhân vật ấy, dân gian muốn nhấn mạnh quy luật đạo đức ở hiền gặp lành trong đời sống.

– Về hình thức: Kết cấu nội dung truyện theo trục thời gian: trước sau. Kể chuyện theo lối văn tự sự và miêu tả.

Share this post

Sidebar not configured yet. You can place widgets by navigating to WordPress Appearance > Widgets.

scroll to top