Phân tích truyện cổ tích: Thạch Sanh

I. Thạch Sanh thuộc truyện cồ tích thần kì về một nhân vật siêu nhiên có sức mạnh phi thường, đầy tài năng và phép màu xuất hiện để cứu nhân độ thế. Để giao hòa với đời sống con người dương thế, các nhân vật này thường được cho xuất hiện trong các gia đình nghèo khó nhưng hiền hậu, chất phác, trở thành trẻ mồ côi, những con người bất hạnh,… Trải bao gian khó, cực nhọc trong học tập, giúp đời mà không nghĩ đến danh lợi để cuối cùng được mọi người thương yêu, kính phục. Từ đó làm nổi bật chân lí có tài có đức thì được hưởng hạnh phúc, ở hiền thì gặp lành.

II. Hai đoạn văn đầu của truyện giới thiệu nguồn gốc và hoàn cảnh của nhân vật. Thạch Sanh vốn là con trai của Ngọc Hoàng. Vì thương vợ chồng lão tiều phu phúc hậu nhưng đơn chiếc và nghèo khổ nên Ngọc Hoàng đã cho thái tử xuống đầu thai. Nhưng khổ thay, người vợ có mang thai mấy năm mà không sinh nở. Thêm một chi tiết kì lạ khác với đời thường. Lão tiều lâm bệnh chết. Thạch Sanh ra đời và lớn khôn thì người mẹ mất, gia tài là túp lều nát dưới gốc cây đa với cây búa do cha để lại. Lại được “Ngọc Hoàng sai thiên thần xuống dạy cho đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông”. Với cách giới thiệu như thế đã cho người đọc thấy rõ hoàn cảnh và tính cách nhân vật trước khi đi vào phần chính.

Thạch Sanh sớm mồ côi cha mẹ bắt đầu phần đời đầy thử thách kể từ khi “Chàng từ giã gốc đa, đến sống chung với mẹ con Lý Thông”. Mẹ con Lý Thông vốn là những kẻ lừa đảo và hám danh lợi, dụ dỗ chàng về là để chàng thế mạng Lý Thông nộp mình cho “chằn tinh có nhiều phép lạ, thường ăn thịt người”. Cứ một sự việc đầy cam go thử thách lại xuất hiện một động vật siêu nhiên hung dữ, có nhiều phép lạ, nhất là lại xuất hiện mưu kế thâm độc của Lý Thông. Thay vì được nhận thưởng, Thạch Sanh lại phải về túp lều cũ dưới gốc cây đa, còn Lý Thông thì được nhà vua phong làm Quận công. Thạch Sanh thì cứu người, như cứu công chúa, cứu thái tử con vua Thủy Tề ở hang chim đại bàng. Chàng được công chúa mến mộ, thầm yêu; từ chối vàng bạc châu báu mà vua Thủy Tề ban tặng, chỉ xin được nhận cây đàn.

Hai nhân vật, hai tính cách đối nghịch thể hiện bằng hành động nối tiếp nhau. Kẻ ác Lý Thông, “hồn chằn tinh và đại bàng” với nhiều âm mưu nham hiểm tìm mọi cách hãm hại Thạch Sanh. “Chúng vào kho của nhà vua ăn trộm của cải mang tới giấu ở gốc đa để vu vạ cho Thạch Sanh. Thạch Sanh bị bắt hạ ngục”.

Trong cái họa có mầm mống của cái may. Công chúa được Thạch Sanh cứu mạng chuẩn bị làm vợ của Lý Thông bỗng nhiên bị bệnh câm. “Suốt ngày chẳng nói, chẳng cười, mặt buồn rười rượi. Vua đành hoãn việc cưới xin, sai Lý Thông mời thầy thuốc về chữa”. Bao nhiêu thầy thuốc giỏi đã được mời đến nhưng chẳng thầy thuốc nào chữa được bệnh câm cho công chúa. Tình huống này được đấy lên cao trào, là nút thắt để rồi nó sẽ được mở. Sự việc Thạch Sanh bị giam vào ngục, và công chúa bị bệnh câm sẽ được mở bằng việc Thạch Sanh đem đàn ra gảy. “Vừa nghe tiếng đàn, công chúa bỗng cười nói vui vẻ. Nàng xin vua cha cho gọi người đánh đàn vào cung”. Thế là khúc mắc của câu chuyện được mở từ từ. Nỗi oan, công trạng của Thạch Sanh nhà vua đã rõ khi nghe chàng kẻ hết sự tình. Trước hết, vua giao cho Thạch Sanh xét xử mẹ con Lý Thông. Chàng cho họ về quê làm ăn. “Nhưng về đến nửa đường thì chúng bị sét đánh chết, rồi bị hóa kiếp thành bọ hung”. Còn Thạch Sanh thì được nhà vua gả công chúa cho. Thế là Thạch Sanh đã vượt qua những thử thách ở trong nước.

Nhưng chính sự vượt qua những thách thức, và “lễ cưới tưng bừng” ấy lại trở thành nguyên nhân của một thách thức mới đe dọa đến an ninh đất nước và cuộc sống của muôn dân. “Thấy vậy hoàng tử các nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn lấy làm tức giận. Họ hội binh lính cả mười tám nước kéo sang đánh”. Thạch Sanh phải đối phó như thế nào đạo binh hùng mạnh ấy? “Chàng một mình cầm cây đàn ra trước quân giặc”. Đã một lần tiếng đàn giúp chàng giải mối oan và được nhà vua gả công chúa cho. Nay tiếng đàn làm im tiếng khua gươm giáo. Lại có thêm niêu cơm thần khiến mấy vạn tướng quân chư hầu ăn mãi không hết. “Chúng cúi đầu lạy tạ Thạch Sanh rồi kéo nhau về nước”. “Về sau, vua không có con trai, đã nhường ngôi cho Thạch Sanh”.

III. Truyện được kể theo trục thời gian và theo kết cấu nhân quả. Người nghèo khổ phúc hậu như vợ chồng lão tiều, Thạch Sanh, … thì được trời thần giúp và giúp lại đời. Còn kẻ nham hiểm, độc ác như Lý Thông, chằn tinh… chuyên hãm hại người thì bị ác báo. Tất cả đều được diễn tả bằng nghệ thuật giao hòa giữa những chi tiết thực với những chi tiết có tính kì ảo khiến truyện càng trở nên lí thú, hấp dẫn giúp người đọc thấy rõ giá trị của lòng nhân ái, lẽ công bằng và cuộc sống hòa bình trong xã hội.

* Ghi chú:

– Truyện có nhiều nhân vật thuộc thế giới siêu nhiên và dương thế có những suy nghĩ, hành vi thể hiện tính thiện và ác. Đại diện cho hai tuyến nhân vật ấy là Thạch Sanh và Lý Thông.

– Thạch Sanh: Thật thà, hiền đức, có sức khỏe và phép thần thông; con trai của Ngọc Hoàng được phái xuống để cứu dân.

– Lý Thông: Người ích kỉ, nham hiểm và độc ác.

– Diễn tiến nội dung theo trục thời gian bằng các chi tiết nêu nguyên nhân và dẫn đến kết quả, chi tiết thần kì giao hòa với chi tiết thực để thể hiện đạo đức, sự công bằng, yêu hòa bình và lí tưởng nhân đạo của dân tộc ta.

Chia sẻ Truyện này