Về thời kỳ quá khứ xa xăm, trên một đại thọ có ổ chim năm con. Một chim trống, một chim mái và ba chim con.
Ngày kia, chim trống thấy ba lữ khách thoạt đến nghỉ chân dưới gốc cây, bèn nói với chim mái rằng:
– Này, chúng ta phải làm sao bây giờ? Khách lạ đến nhà, nhằm mùa đông lạnh lẽo mà ta lại không có chút lửa!
Dứt lời, chim trống cất cánh bay đi, rồi tha về một miếng củi cháy, nhả ngay xuống trước chỗ ba người. Lữ khách mới lượm cành khô nhúm thành một đống lưởi để sưởi.
Thấy vậy, chim trống cũng chưa thỏa lòng, bèn nói cùng chim mái:
– Này, chúng ta phải làm sao bây giờ? Khách đã đói lòng, nhằm tiết đông thiên mà chẳng có chi đãi khách! Ðây là nhà của ta, vậy ta có trách nhiệm phải nuôi mấy kẻ xa lạ đến tá túc. Cái chi có thể làm thì phải làm ngay! Vậy để tôi hiến thân cho khách đỡ lòng.
Vừa dứt lời, chim trống bay nhào xuống đống lửa hồng.
Ba lữ khách ngồi dưới gốc cây, thấy vậy lật đật lại cứu chim, nhưng đã muộn.
Chim mái bùi ngùi, than rằng:
– Dưới gốc cây, có ba người mà một thân của chồng ta thì sao cho đủ! Bổn phận của ta là vợ, phải tỏ rằng chồng đã cư xử đúng theo lẽ đạo. Vậy ta cũng phải hiến thân cho khách qua đường! Dứt lời, chim mái liền nhào xuống ngay đống lửa…
Ba chim con chứng kiến cử của cha mẹ, và biết rằng bấy nhiêu cũng chưa đủ cho ba khách no lòng, nên bàn tính với nhau:
– Cha mẹ đã tùy theo sức mà tròn bổn phận, nhưng việc cũng chưa xong! Vậy thì chúng ta lại phải hiến thân cho khách lạ!
Dứt lời, cả ba nhào xuống đống lửa một lượt…