Khổng Tước Minh Vương vốn là con chim Khổng Tước đầu tiên có từ thời khai thiên lập địa, lông vũ màu vàng ròng, to lớn vĩ đại, là vua của loài chim khổng tước, qua mấy ngàn năm đã tu luyện thành công phép Ngũ sắc thần quang và về sau được Đức Chuẩn Đề Vương Bồ tát hóa độ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng miêu tả vị Bồ tát này đầu đội mão anh lạc, quanh người đeo các thứ trang sức bằng châu báu sáng ngời, ngồi thế kiết già trên đóa bạch liên, ngự trên lưng con khổng tước thân kim sắc. Phật mẫu Khổng Tước hiện ra từ bi đại tướng có bốn cánh tay: tay thứ nhất bên phải cầm hoa sen bung nở, tay thứ hai bên phải cầm trái Câu Duyên, tay thứ nhất bên trái đặt ấn Kiết Tường, tay thứ hai bên trái cầm lông vũ chim khổng tước. Về sau, Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát trở thành vị tôn giả hầu cận Đức Phật.
Nguyên căn của việc Chuẩn Đề Bồ tát hóa độ Khổng Tước phải kể từ khi Ngài còn ở kiếp làm chim Khổng Tước, Đức Phật kể rằng: “Vào một kiếp xa xưa có con Khổng Tước toàn thân phủ kim sắc, thường ngày siêng năng trì thụ thần chú rất tinh tấn, vì vậy mà thần chú luôn phóng quang bảo vệ Khổng Tước, bất cứ thứ gì cũng không làm hại được nó. Một hôm nọ Khổng Tước vì mê đắm ái dục đã cùng bầy công mái dạo chơi ở một khu rừng rất xa, mãi vui chơi nên quên mất trì chú, Khổng Tước bị thợ săn bắt được. May sao lúc bị bắt nó kịp hồi phục chánh niệm, lập tức trì tụng thần chú nhờ vậy mà thoát được trùng vây.”
Truyền thuyết Mật tông nói rằng, khi Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai đắc đạo, lúc đó Khổng Tước chưa được Ngài Chuẩn Đề hóa độ, bản tính hung hăng đã nuốt Như Lai vào bụng. Không ngờ từ trên lưng Khổng Tước lại hiện ra vết nứt lớn, Như Lai từ trong vết nứt mà phóng quang thoát ra ngoài, lúc Như Lai ngự trên lưng Khổng Tước thì vết nứt kia lập tức liền lại. Chính vì Như Lai từng ở trong bụng Khổng Tước cho nên về sau khi đắc thành đạo quả được gọi là Khổng Tước Phật Mẫu. Cũng chính vì sự việc này mà con đại bàng Kim Sí Điểu trốn xuống trần làm yêu quái, ngang nhiên bắt Đường Tăng, nó ngang tàng hống hách tự xưng là cậu của Như Lai cũng chính bởi Kim Sí Điểu vốn là em trai của Khổng Tước, đều là con của Phượng Hoàng.
Ở một câu chuyện khác, khi chim công là dòng dõi được lưu truyền của chim Phượng Hoàng nên cũng thuộc hàng thiên giới. Vào thời Phong Thần con chim này đã thác sanh xuống thế gian tên là Khổng Tuyên, vốn là một viên tướng tài ba của nhà Thương, đã phụng lệnh vua Trụ lãnh binh đánh Khương Tử Nha. Khổng Tuyên có thần lực tỏa hào quang ngũ sắc cực kì mạnh mẽ, có thể thâu tóm các loại bảo khí của Tiên gia dễ dàng. Kể cả Tứ Đại Thiên Vương cũng đành chịu thua, vì không có cách nào khắc chế hào quang ngũ sắc kia nên Khương Thượng thỉnh mời Chuẩn Đề Vương Bồ tát từ Tây Phương đến hàn phục Khổng Tuyên. Về sau Khổng Tuyên theo Ngài Chuẩn đề tu hành, Khổng Tước từ đó nguyện thọ trì phật pháp. Khổng Tước nguyện theo Chuẩn Đề Bồ tát tu hành, nguyện lấy thân làm bảo tọa cho ngài ngồi để đền ơn hóa độ.
Trong tác phẩm “Mạn Hoa”, trong trận chiến long trời lở đất, quỷ khốc thần sầu của Như Lai và Thiên Ma. Cuối cùng Như Lai dùng thần chú phong ấn Thiên Ma. Không ngờ, 500 năm sau Khổng Tước là một trong sáu đại minh vương lại vô tình giải thoát cho Thiên Ma ra khỏi phong ấn.