Ngư Lam Quán Âm

Ngư Lam Quán Âm thật ra đây chẳng phải là vị phật nào cả mà chính Quan Thế Âm Bồ tát, hình tượng khác lạ này là xuất phát từ một truyền thuyết của người Trung Hoa sống ven biển. Ngư Lam Quán Âm có hình ảnh, tượng thờ là một người thiếu nữ mặc áo vải hoa tay cầm chiếc giỏ có đựng một con cá chép. Thường được thấy trong các đền thờ, miếu, chùa chiền của người Trung Hoa.

Chuyện kể rằng một hôm Quan Âm đi ngang qua vùng bờ biển Đông Hải, cốt yếu ngài đến đây cũng là vì biết người dân ở đây si mê mu muội, ích kỷ lại tàn độc, không tin Phật Pháp, hung hăng bạo tàn. Khi đến nơi Quan Âm biết rằng những gì nghe nói đều là đúng. Một sáng sớm ngài hóa thành vị sư già mặc tăng y rách rưới đi ngang qua làng chài, dân ở đây vốn làm nghề chài lưới, ngày nào chợ cá cũng tấp nập. Trong khu chợ chật chội ẩm ướt, đâu đâu cũng là mùi tanh của cá lại vẳng lên sự ồn ào của tiếng chửi rủa cự cãi và âm thanh đổ nát, hỗn loạn của những kẻ đang chém nhau. Ngài lắc đầu thở dài thì có anh hàng cá vừa tìm được chỗ ngồi ưng ý đã bị một tên cao to xăm trổ đạp văng ra rồi chiếm chỗ, đây chính là Mã Lang – một tên ngang tàng, bạo ngược, xưng hùm xưng bá ở nơi này. Thấy vậy Quan Âm trở về, ngài nghĩ ra một kế sách.

Sáng hôm sau giữa chợ chài xuất hiện nữ nhân trẻ tuổi chừng đôi mươi, tóc bôi song đào, mặc áo hoa xanh, dung mạo xinh đẹp, thần thái lại tươi tắn. Cô cầm theo giỏ có vài con cá chép sống.

– Ai mua cá chép không? Cá chép rất tươi đây!

Xung quanh hàng cá của cô gái trẻ cứ ngày càng trở nên đông nghẹt. Thấy vậy cô hỏi rằng:

– Này, mọi người đến mua cá của tôi để làm gì vậy?

– Còn phải hỏi? Dĩ nhiên là hầm, nướng, chưng, nấu canh rồi! – Một người trả lời.

– Ồ, ấy vậy thì không được rồi! Cá của tôi bán không phải để cho các vị đem về giết thịt, chỉ được mang đi phóng sinh mà thôi, ai mua để ăn thì tôi nhất định không bán!

Ai cũng thấy quả thật là việc điên khùng, tự dưng cá bắt lên lại đem thả về chẳng khác nào quăng tiền xuống biển, họ lần lượt mà bỏ đi hết, ngài lặng lẽ thở dài. Đến chiều thì chợ tan, cô gái trẻ hóa thành vị sư già vào trong miếu Quan Âm cách đó rất xa mà ở tạm, đến sáng lại trở thành thiếu nữ ra chợ bán cá, thanh niên trai tráng lại vây quanh nhưng cũng chẳng ai chịu bỏ tiền mua cá phóng sinh. Cứ ngày này qua ngày nọ, Quan Âm vẫn kiên trì làm như thế, đến một hôm do bán hàng hết từ sớm, Mã Lang ghé ngang qua hàng của cô gái xinh đẹp mà gần đây mọi người đồn nhau. Đến nơi thì hắn thật sự bị mỹ nhân trước mặt lấy mất linh hồn, tim cũng ngừng đập một nhịp.

– Vị đại ca này muốn mua cá phóng sinh sao? – Cô gái trẻ cất lên giọng nói thanh thúy hỏi, hắn lại càng thẫn thờ.

Nhìn trên giỏ có ba con cá chép, nhưng người bán cá lâu năm như Mã Lang liền đặt câu hỏi, cá không có nước để từ sáng sớm đến tận trưa như thế mà vẫn sống được thì đúng là điều quái lạ. Tuy mê mẩn cô gái kia nhưng một kẻ như hắn lại đi mua cá phóng sinh thì có phải mất mặt quá không? Cứ thế, ngày nào đám đàn ông cũng vây quanh cô gái, Mã Lang cứ thế mà thầm nhìn ngắm ý trung nhân. Đến một hôm có gã góa vợ đến hỏi cưới cô gái, thấy thế nhiều người cũng hùa theo muốn đem cô về làm vợ.

– Tiểu nữ biết hảo ý của quý vị đây, tôi rất lấy lòng cảm kích. Nhưng mà mọi người cùng nhau ngỏ ý như vậy tôi biết mà chọn ai? Thôi thì tôi có một điều kiện, ai đáp ứng tôi sẽ đồng ý kết duyên. Mẹ già của tôi là người kính Phật, ở nhà tôi có cuốn “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”, ai học thuộc lòng phẩm “Quan Thế Âm Bồ tát Phổ Môn” thì tôi sẽ lấy làm phu quân.

Miếu Quan Âm thưa thớt người nay lại đông đúc kẻ đến thỉnh kinh Pháp Hoa về, quả thật kì lạ. Sáng hôm sau, rất nhiều người xếp hàng để đọc kinh Quan Âm Phổ Môn, đa số họ đều rất thuộc bởi quyết tâm cao muốn cưới được mỹ nhân, dĩ nhiên Mã Lang cũng nằm trong đó. Đám đàn ông không ai nhường ai, miệng đọc kinh nhưng tâm sân si muốn giành giật, sợ xảy ra ẩu đả cô gái đề nghị:

– Nếu như có quá nhiều sự trùng hợp thì có lẽ do tiểu nữ ra đề quá đơn giản, vậy thì các vị đại ca hãy về học thuộc kinh Kim Cang, ai thuộc tôi liền gọi là tướng công.

Họ về lại quyết tâm học kinh Kim Cang nhưng kinh dài, ngôn từ lại khó học nên chỉ có bốn người học thuộc bản kinh, Mã Lang cũng là một trong số đó. Hôm sau họ kéo nhau đến đọc thuộc đúng từng chữ. Lại còn không tranh giành nhau, để cho cô gái tùy ý lựa chọn. Quan Âm thầm vui, bọn người sân si này mới hai ngày học kinh đã bớt đi hỏa khí ít nhiều.

– Nếu để tôi lựa chọn chỉ sợ không công bằng, quyển Diệu Pháp Liên Hoa lần trước các anh học phẩm Phổ Môn nay hãy học cho hết, nếu thật sự thuộc thì đến đây tìm tôi.

Quyển kinh Diệu Pháp Liên Hoa vừa dầy vừa nhiều chữ, đến những người tu hành nhiều năm còn chưa chắc thuộc đừng nói là trong một đêm. Vậy mà sáng hôm sau Mã Lang đã đến, hắn thực sự thuộc hết cuốn Diệu Pháp Liên Hoa, ai ai đều thật sự kinh ngạc về thành ý của hắn. Cô gái gật đầu:

– Tôi nói sẽ giữ lời, anh hãy về xem ngày lành chuẩn bị hôn lễ.

Đến ngày, nhà Mã Lang giăng đèn kết hoa chuẩn bị đám cưới trịnh trọng. Cô dâu trong phòng trang điểm bất chợt đột tử, tin vui chưa đến mà đã xảy ra điều tang tóc. Mã Lang lo tang lễ cho vợ xong thì cứ buồn bã thương nhớ, cứ thế lại mang kinh Phật ra đọc để nhớ về những kỷ niệm. Thế là dần dần đạo lý của từng trang kinh lại thấm nhuần vào đầu óc, Mã Lang thay đổi trở thành anh chàng nho nhã, hiền lành. Mấy tháng sau có vị sư già đến tìm Mã Lang, ông bảo anh rằng hãy đào huyệt mộ của thê tử lên sẽ thấy có điều kì diệu. Mã Lang đào lên thì không có thi hài mà chỉ còn một khúc xương bằng vàng ròng. Vị sư già quay lưng bỏ đi chỉ nói bài kệ:

Phổ Đà lạc già thường nhập định
Tùy duyên độ cảm mỵ bất châu
Tầm thinh cứu khổ độ quần mê
Thị đắc danh vi Quán Tự Tại

Từ đó Mã Lang một lòng phụng sự phật pháp, dựa theo hình dáng cô gái bán cá chép mà tạc tượng gọi là Ngư Lam Quán Âm hay Đề Lam Quán Âm, do ngài có tích từng kết hôn với Mã Lang nên còn gọi là Mã Lang phụ Quán Âm.

Share this post

Trả lời

Sidebar not configured yet. You can place widgets by navigating to WordPress Appearance > Widgets.

scroll to top