Thuở xưa, trên đỉnh núi tuyết có một vị La Hán đã chứng Lục thông: thấy rõ việc trong ba đời như xem việc trước mắt. Nên danh tiếng vang lừng, người đương thời đều cảm phục.
Vị La hán kia nhận đệ tử là thiếu niên Sa Di.
Một hôm, vị người đệ tử đến đứng hầu bên cạnh thầy. Vị La hán xem qua sắc tướng của vị đệ tử mình, Ngài liền buồn rầu bảo vị thiếu niên đệ tử rằng:
– Con ơi, Thầy xem sắc tướng hôm nay, Thầy rõ biết phước báu của con đến nay đã gần hết, sau bảy ngày nữa mạng con sẽ chết. Thôi Thầy trò ta ngày nay vĩnh biệt. Thầy cho con trở về nhà thăm bà con quyến thuộc và cho con được thấy cha mẹ con trong phút cuối cùng.
Nghe xong, thiếu niên Sa Di chỉ biết đau đớn đảnh lễ thầy rồi gạt lệ từ tạ ra đi.
Trên đường về, gặp phải trận mưa lớn, thiếu niêu Sa Di rẽ qua con đường hẻm thấy một bầy kiến nhỏ đang chơi vơi trên một dòng nước nhỏ chảy ngang đường. Bầy kiến hết sức chống đỡ, nhưng vô hiệu; vì thân nhỏ sức yếu mà dòng nước quá mạnh, nên đành để dòng nước tự do dày xéo, và chờ dòng nước đưa về cõi chết.
Thiếu niên Sa Di thấy vậy, động lòng từ bi, liền cỡi chiếc áo đang mặc trong mình ngăn ngang dòng nước để đàn kiến có chỗ leo vào, những con nào kiệt sức, không thể leo vào áo được, thiếu niên Sa Di nhẹ tay bắt từng con kiến bỏ vào aó, rồi đem bỏ vào chỗ khô ráo. Hai ba phen xem xét thấy bầy kiến chắc chắn thoát chết, mới yên lòng về nhà.
Ðến nhà, trong thời gian bảy ngày, thiếu niên Sa Di lo sợ chờ ngày mạng chung. Nhưng đến ngày thứ tám, thiếu niên vẫn còn sống. Thiếu niên Sa Di vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ trở về tìm thầy.
Ðến nơi, vị La hán hết sức ngạc nhiên! Không hiểu vì sao đệ tử mình đến bây giờ mà vẫn còn sống. Ngài liền nhập định dùng diệu trí quan sát mới biết đệ tử mình do công đức cứu bầy kiến nên bảy ngày không chết mà còn sống lâu được nữa.
Sau khi xuất định, vị La hán giải cho Sa Di rõ lý do thoát chết, và giải nghĩa chữ từ bi.
Từ đấy, thiếu niên Sa Di tinh tấn tu hành không bao lâu chứng đặng đạo quả.