Nàng Xuân Hương

truyen co tich

Ngày xưa ở tỉnh Bắc có nàng con gái trong trắng như hoa thủy tiên nên có tên là Xuân Hương. Cha nàng là một ông đồ nhà nghèo, đã mất từ lâu. Nàng ở với mẹ, hai mẹ con tần tảo nuôi nhau. Vào thời ấy, các cô gái con nhà gia thế thường được bố mẹ cho đi học. Xuân Hương lúc nhỏ có được bố dạy cho chữ nghĩa, nên cô cũng biết võ vẽ. Năm mười lăm tuổi, nàng xin phép mẹ đến học ở trường một cụ đồ già trong làng.

Ngày ấy có một chàng thư sinh đẹp trai họ Tống, tên là Như Mai, con một viên quan đầu tỉnh. Vốn sẵn thông minh, chàng chuyên tâm vào nghiệp đèn sách, quyết nêu tên trên bảng vàng.

Một hôm vào ngày tết đoan ngọ, Như Mai cùng một tiểu đồng đi dạo cảnh. Qua lớp học của cụ đồ già, chàng thoáng thấy có mấy cô gái đang nô đùa sau vườn một ngôi chùa cổ. Dưới gốc cây đa, có một cô bíu vào rễ phụ đu đi đu lại là là mặt đất, đó là nàng Xuân Hương. Sắc đẹp của nàng khiến chân chàng không đành cất bước. Hai thầy trò thơ thẩn hồi lâu trước cổng chùa. Chàng buột miệng khen:

– Ôi! Ta đã từng nghe ca ngợi con gái xứ Bắc, nhưng chắc chưa có ai xinh bằng cô gái đánh đu vừa rồi.

Từ đó Như Mai thường lấy cớ đi lại ngôi chùa cổ. Tưởng nhớ đến người đẹp đánh đu, có đường ngôi trắng giữa hai mái tóc xanh, khiến chàng mất ăn mất ngủ. Tiểu đồng thấy chủ biếng học thì khuyên dỗ hết lời, nhưng Như Mai vẫn không thể quên được. Một hôm thấy chủ giục mình lại cùng đi chơi chùa, tiểu đồng đe mách với bố chàng. Như Mai năn nỉ:

– Đừng. Nếu mày là tâm phúc của ta thì không những phải giấu kín cho ta, mà còn nên giúp ta cho được việc.

Tiểu đồng đáp:

– Nếu quan lớn biết thì công tử bị phạt đã đành, còn tôi thân phận hèn hạ, chịu làm sao nổi roi vọt.

– Nếu thế thì ta sẽ ở nhà học bài, còn mày hãy vì ta một mình đi dò xem cô nàng tên là gì, con gái nhà ai, có cách gì gặp gỡ được chăng, thì ta sẽ trọng thưởng.

Ba hôm sau, tiểu đồng trở về cho chủ biết về nàng Xuân Hương. Nó còn ghé vào tai dặn nhỏ:

– Nếu công tử cho tôi một món tiền lớn, tôi sẽ bày cách làm cho công tử có thể gần gũi cô nàng.

Như Mai thủng thỉnh đáp:

– Được! Mày muốn bao nhiêu cũng có, miễn là việc xong.

Khi có tiền trong tay, tiểu đồng liền sắm cho chủ một bộ áo xống phụ nữ và dặn chàng:

– Tôi thấy công tử có nước da trắng trẻo, bộ mặt và giọng nói y như con gái, nên nghĩ rằng nếu công tử đóng bộ này vào thì không mấy chốc sẽ được làm quen với nàng. Công tử thử mặc vào cho tôi xem.

Quả nhiên sau khi cải trang, Như Mai đã biến thành một cô gái duyên dáng không một ai có thể ngờ là trai.

Sau đó, theo lời kể của tiểu đồng, Như Mai tìm đến nhà Xuân Hương. Gặp bà mẹ nàng, Như Mai chào hỏi đon đả, nói dối mình là ái nữ của quan đầu tỉnh, năm nay tuổi vừa đôi tám, học tại một trường gần đây, nhân ngày nghỉ đi mua ít tấm lụa. Bà mẹ Xuân Hương không nghi ngờ gì cả, liền gọi con gái ra tiếp. Nghe nói Như Mai là con quan, lại học giỏi, Xuân Hương tỏ ra ân cần và muốn làm quen. Sau khi chuyện trò mua bán đã xong, nàng dặn lúc chia tay:

– Thỉnh thoảng mời chị tới chơi hai ta cùng giảng bàn nghĩa sách.

Từ đấy, Như Mai năng đến nhà Xuân Hương. Chẳng mấy chốc hai người đã trở thành đôi bạn. Tài học của Như Mai làm cho Xuân Hương kính phục, thường nhờ vả về văn bài. Về phía Như Mai, chưa bao giờ lòng chàng tràn ngập niềm vui đến như thế. Tuy vậy, chàng vẫn giữ lòng mình đứng đắn, chưa có gì tỏ ra sàm sỡ.

Một hôm Xuân Huong rủ Như Mai ngủ lại nhà mình. Biết đây là dịp may hiếm có, nhưng Như Mai cũng từ chối, lấy cớ là chưa được lệnh bố mẹ. Nhưng rồi sau đó ít lâu, một cơ hội khác lại đến. Hôm ấy bà mẹ Xuân Hương về ăn giỗ quê ngoại. Thấy Như Mai đến vừa đúng lúc, mẹ Xuân Hương bèn năn nỉ bảo ở lại với con mình mấy hôm để có chị có em cho đỡ cô quạnh. Như Mai nhận lời. Buổi chiều hôm ấy, sau khi hai người đã vùi đầu chán chê vào thơ phú, bè rủ nhau đi dạo chơi trong vườn chùa. Họ vừa đi vừa đàm đạo cho tới lúc trăng mọc. Bỗng dưng Xuân Hương hụt chân ngã chúi về phía trước, nhưng nàng đã được Như Mai nhanh tay ôn lấy, Xuân Hương thốt lên:

– Cảm ơn chị. Ôi nếu chị là con trai thì tôi phải lòng chị mất!

Như Mai đỡ lời ngay:

– Nhớ lấy nhé! Một lời nói như ném châu gieo vàng. Chị sẽ cầu Phật bà độ cho hóa thành con trai. Lúc đó thì em có phải lòng nữa không?

Đang đà nói đùa, Xuân Hương trả lời ngay:

– Sao lại không. Tôi xin thề có trời đất…

– Không được. Thề cá trê chui ống. Nếu thật thế thì hãy viết giấy cam đoan chị mới tin.

– Khó gì, về nhà sẽ có ngay.

Về đến nhà, Xuân Hương lập tức lên đèn, viết giấy đưa cho Như Mai. Đợi khi hai người lên giường, Như Mai bèn trút bỏ đồ cải trang thành một chàng trai khỏe mạnh. Thấy vậy Xuân Hương chẳng còn hồn vía nào nữa, hai tay che mặt kêu lên:

– Trời đất ơi! Ta mắc tay bợm già rồi. Ngươi là ai dám đến đây lừa ta. Ta kêu làng xóm lên bây giờ.

Nói đoạn ngồi dậy toan chạy, nhưng Như Mai đã nắm lấy tay nàng:

– Nàng chớ sợ. Ta không làm hại nàng đâu. Rồi ta sẽ xin cưới nàng làm vợ.

Nói rồi kể tất cả mọi việc cho Xuân Hương nghe, những là gia thế, học hành ra sao, rồi từ phen kỳ ngộ ở vườn chùa, sinh ra đêm mơ ngày tưởng như thế nào, cho đến lúc tiểu đồng hiến kế cải trang, v.v… Đoạn chàng nói:

– Ta vì nàng phí bao nhiêu tâm cơ, đâu phải vì chuyện “trên bộc trong dâu” chốc lát, mà cốt để trở thành đôi lứa trăm năm bạc đầu.

Trong khi Như Mai dùng lời dịu ngọt dỗ dành, thì Xuân Hương chỉ ngồi khóc. Hồi lâu nàng bảo:

– Không được, rồi chàng sẽ bỏ tôi như thay một cái áo, tháo một bức phên. Tôi là con nhà dân làm sao có thể kết duyên với con nhà quan được chứ.

Như Mai đáp:

– Nói trên có trời, dưới có đất, trước mặt có bóng thần đăng: dù mẹ cha có ngăn trở thế nào, ta thề sẽ không đời nào bỏ nàng.

– Vậy thì chàng hãy làm giấy đi!

Lại đến lượt Như Mai làm giấy cam đoan. Trong giấy chàng trịnh trọng hứa quyết cưới Xuân Hương làm vợ. Nếu bỏ nàng thì trời tru đất diệt.

Bấy giờ Xuân Hương mới tỏ bộ vui vẻ, cầm lấy giấy, nói:

– Chàng đã làm cho tôi tin. Nhưng liệu hồn đấy! Nếu chàng mà lừa dối tôi thì tôi sẽ đi thưa, thưa cho đến tận tòa Tam pháp chứ chẳng chơi đâu.

Ngày hôm sau Như Mai ra về sau khi đã được toại nguyện. Đột nhiên sau đó ba hôm, thân phụ chàng có chỉ của vua triệu về kinh làm chức học sĩ. Chàng cũng bị buộc phải đi theo để được phụ thân rèn cặp. Nghe tin này, Xuân Hương tưởng nghe tiếng sét. Nhưng Như Mai lại coi là dịp tốt. Chàng hết sức an ủi nàng, cho nàng biết rằng chuyến này đi xa, chàng sẽ cố công học tập thành tài, vì chốn kinh kỳ có nhiều sách hay thầy giỏi. Một khi công thành danh toại, chàng mới có cách để xin chính thức cưới nàng. Khi chia tay, chàng còn dặn:

– Dù có đá nát vàng phai, ta cũng chỉ biết có nàng. Đổi lại ta chỉ xin nàng một lòng chờ đợi.

Ngày lại ngày nối nhau trôi qua. Tống Như Mai từ ngày theo thân phụ về kinh đã được năm năm. Trong thời gian này, chàng ra sức dùi mài kinh sử. Lòng càng nhớ Xuân Hương, chàng lại càng để tâm vào việc học tập. Quả nhiên công phu của chàng không uổng. Khoa thi năm ấy, chàng đậu đầu, rồi tiếp tục vào thi đình, đậu luôn trạng nguyên. Thấy chàng con trẻ tuổi mà thông minh, nhà vua phong làm khâm sai đại thần, cho đi thanh tra các tỉnh. Chàng vuii vẻ nhận chức. Trước hết, chàng xin phép về công cán tỉnh Bắc, nhân thể thăm dò tình hình người yêu năm năm qua không một tin tức.

Lại nói chuyện Xuân Hương. Từ ngày chia tay Như Mai, lòng nặng buồn rười rượi. Tin ở lời thề thốt của chàng, nàng quyết một lòng chờ đợi. Có nhiều đám đến dạm hỏi, nàng đều từ chối. Để cho bọn con trai khỏi theo đuổi, nàng bỏ vào tất cả những áo xống đẹp cùng hoa hột vòng xuyến mà Như Mai cho mình rồi đem chôn cất. Nàng bỏ học, ăn mặc nâu sồng, ở nhà giúp mẹ nuôi tằm trồng dâu. Tuy nhiên nàng vẫn không giấu được nhan sắc nhạn sa cá lặn của mình. Một viên án mới bổ đến, nghe tiếng đồn về sắc đẹp Xuân Hương thì trong lòng hâm mộ. Gặp nàng ở chợ buông lời trêu ghẹo, nhưng nàng nghiêm sắc mặt cự tuyệt. Quan giận để bụng, sau đó ít lâu ngầm cho người đến gây sự với nàng đặt điều về việc bội hôn, để việc đưa đến cửa công, cuối cùng quan cho bắt nàng giam lại. Vẫn chưa cam thất vọng, quan lại sai người thân tín vào nhà giam dỗ dành, hứa nếu nàng thuận theo mình thì sẽ được làm nàng hầu, ăn mặc sung sướng, nhược bằng không thuận sẽ làm cho nhục nhã. Một lần nữa quan án lại bị nàng nhiếc mắng ê chề. Hôm sau, Xuân Hương liền bị quan kết tội bội hôn và lăng mạ trưởng quan, bị đánh đòn 80 roi trước công chúng.

Ngày gia hình đã đến. Hôm ấy cũng là ngày phiên chợ, nên người đông nghìn nghịt. Trên một cái bàn gần chợ, quân lính sắp hàng chỉnh tề. Xuân Hương tay bị trói, do một người lính điệu ra trước mặt các quan để tuyên án. Một tên lính cầm roi sắp sửa giáng vào người nàng. Nhưng giưa lúc viên đề lại tội trạng, thì hàng quân bỗng dạt ra, nhường chỗ cho một người đang cưỡi ngựa tiến vào, theo sau có một tên lính cầm cờ có hai chữ “khâm sai”. Thấy vậy, mọi người đều sụp lạy. Người cưỡi ngựa chính là Tồng Như Mai. Nguyên khi ra đến tỉnh Bắc, chàng cho lính hầu giữ kín mọi việc, riêng mình cải trang thành một người hành khất. Chàng không ngờ người yêu của mình đang lâm nạn. Tay bị tay gậy, chàng đã đến với từng người tìm hiểu sự thật về Xuân Hương. Người ta cho biết nàng là con người đoan chính, rằng nàng không chịu lấy ai, chỉ thủ tiết đợi chờ một chàng thư sinh nào đó đang theo học ở kinh kỳ. Khi hỏi về viên quan án, ai nấy đều tỏ vẻ khinh bỉ, rủa là đồ chó lợn, chỉ quen hối lộ và làm điều phi pháp, nhưng vì sợ thần sợ thế, nên chẳng ai dám ho he.

Sau khi nắm được mọi chân tơ kẽ tóc, Tống Như Mai trở lại với bộ áo mão thanh tra. Vừa nhảy xuống ngựa, đợi cho mọi người ngẩng đầu lên, chàng dõng dạc lên tiếng:

– Hỡi ba quân và dân chúng! Ta là khâm sai đại thần, vâng lệnh hoàng đế đi thanh tra các tỉnh xứ Bắc này. Ta đã tra cứu kỹ, thấy nàng Xuân Hương không làm gì nên tội, đáng được tha bổng. Còn tội nhân lại chính là nguyên cáo và vị quan đã xử án nàng. Hãy bắt giam chúng lại đợi ta thẩm vấn.

Các hàng lính ai nấy đều dạ ran. Những người dân đứng vây vòng trong vòng ngoài, trong đó có những bạn học của Xuân Hương hò reo như sấm dậy. Tên lính giải Xuân Hương không kịp tìm dao, dùng răng cắn đứt dây trói cho nàng, lại tháo xiềng xiềng quan án và tên vu cáo lại. Khi biết quan thanh tra là Như Mai, Xuân Hương mừng đến té xỉu. Mọi người vội vực nàng về chạy chữa.

Sau đó không lâu, quan thanh tra trẻ tuổi tâu trình lên vua và không quên xin phép cưới nàng Xuân Hương làm vợ. Nhà vua thấy cuộc tình duyên ly kỳ, nên y cho. Lễ cưới tổ chức linh đình trong ba ngày. Ngày cưới, bà mẹ Xuân Hương vui vẻ bảo mọi người:

– Ta không có con trai, nhưng con gái ta lại làm ta đẹp lòng hơn có con trai.

Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

Share this post

Sidebar not configured yet. You can place widgets by navigating to WordPress Appearance > Widgets.

scroll to top