Sự tích cầu Bà Bầu

Truyền thuyết kể rằng, cách đây khoảng hơn 500 năm, có một vị tướng Đại Việt đưa quân qua vùng đất này để tấn công một tòa thành của người Chiêm Thành để trả đũa việc tướng Chiêm xua quân gây hấn biên giới. Thấy việc tấn công trực diện thành dường như bất khả vì thành xây bằng gạch nung rất kiên cố và có thể gây hao binh tổn tướng nên vị tướng nọ bèn nghĩ ra kế đánh thành bằng hơi độc. Vốn có biệt tài sử dụng các loại lá cây độc, lại tinh thông cả thuật thiên văn, bấm độn đoán thời tiết nên ông chờ đúng thời điểm thuận tiện đốt lá nhờ gió đưa hơi độc vào thành của quân Chiêm… Nhưng đột nhiên gió đổi chiều, hơi độc thổi ngược lại khiến quân Đại Việt bị trúng hơi độc nằm ngổn ngang. Riêng vị tướng và vài cận vệ nhờ ở tuyến đầu nên không bị ảnh hưởng.

Thật đau xót và uất ức khi chính mình làm hao binh tổn tướng của mình, vị tướng nghĩ là mình không có phận làm tướng nên ông quyết định đem thanh kiếm báu chôn đi và tìm nơi mai danh ẩn tích. Ông tìm đến một ngôi chùa nằm ở tận xa trong núi xin được xuống tóc quy y. Sau khi biết rõ sự việc, vị sư trụ trì sơn am đồng ý cho ông ở lại.

Từ đó ông đảm nhận công việc ở chốn hậu liêu, dùng sức khỏe của mình để làm các việc nặng nhọc của chùa như xách nước, xay lúa, giã gạo, bửa củi… Ông lại hiền lành, sẵn sàng gánh vác công việc cho người khác nên các sư, tiểu trong chùa đem lòng mến phục. Một thời gian sau, ông xin phép sư trụ trì được lĩnh hội kinh Phật. Sư trụ trì muốn thử thách ông nên đưa cho ông một cuốn kinh nhật tụng. Ông xem qua rất nhanh và trả lại sư thầy bảo rằng mình đã thuộc hết. Sư thầy không tin nhưng tò mò muốn thử tài ông nên yêu cầu ông đọc lại. Lạ thay, chẳng những ông thuộc lòng cuốn kinh mà còn trả lời thông suốt những câu hỏi của vị sư già. Từ đó bao nhiêu kinh sách trong chùa, vị trụ trì đều đem cho ông học. Càng đọc, càng học, ông càng thuộc nhanh chóng và càng hiểu lẽ đạo một cách tường tận.

Khi ông đã đọc hết kinh sách trong chùa, vị sư trụ trì giới thiệu ông đến học ở một chùa khác, nơi có những vị cao tăng đạo hạnh hơn. Thế là ông khăn gói đến học đạo ở chùa Chúc Thánh, nằm ở phía bắc Hội An ngày nay. Ở đây, ông càng tỏ ra thông tuệ kinh sách, học đâu nhớ đấy và ông dứt bỏ được những chuyện đời phiền trược để tịnh tâm cầu kinh, niệm Phật…

Mấy năm sau, chùa Chúc Thánh nhận được một chiếc áo cà sa được dệt bằng vỏ cây đỗ trọng cùng với lá thư của một vị cao tăng người Trung Quốc gửi thăm nhà sư Mộc Giả. Nhờ đó, mọi người mới biết đến thân phận của ông. Thì ra, tuy là một vị tướng người Việt nhưng ông thuộc dòng dõi một cự tộc ở Vân Nam – Trung Quốc; do hoàn cảnh lịch sử, một chi phái của dòng họ này đã sang định cư tại vùng đất phía Nam đèo Hải Vân, tới ông là đời thứ tư…

Ít lâu sau đó, sư Mộc Giả rời chùa Chúc Thánh và trở về lại vùng đất trước đây ông quy y nương nhờ cửa Phật. Tại đây, ông chọn một khu gò đồi cao rồi dựng một ngôi chùa nhỏ lấy tên là chùa Xuân Sơn, chùa vẫn còn tồn tại đến ngày nay, cách cầu Bà Bầu khoảng vài trăm mét về phía Bắc.

Nghe tiếng nhà sư Mộc Giả, đạo hữu gần xa đến viếng chùa Xuân Sơn và nghe giảng kinh ngày một đông. Trong số đạo hữu đến chùa, có một thiếu nữ đem lòng yêu thương nhà sư. Bị cự tuyệt, nàng trở về rắp tâm bằng mọi giá phải lấy được nhà sư Mộc Giả làm chồng, dù có phải giở những thủ đoạn gian trá. Nàng cố tình có thai với một người đàn ông rồi lên chùa thản nhiên tuyên bố với mọi người rằng cái thai trong bụng nàng là con của nhà sư Mộc Giả. Không ít đạo hữu tin đó là chuyện thật và bắt đầu xa lánh ngôi chùa, cũng như có cái nhìn thị phi đối với sư Mộc Giả.

Về phần mình, tự biết lòng không hề vướng bận chuyện thị phi, trái đạo lý, sư Mộc Giả bình tâm sắp đặt mọi chuyện an lành cho thai phụ, chỉ yêu cầu nàng hãy yên lòng trở về nhà chờ ngày sinh nở. Nhưng khi nàng về lại nhà, dân làng phản ứng quyết liệt và xua đuổi nàng ra khỏi làng. Biết chuyện, sư Mộc Giả thuê người dựng một chiếc lều nhỏ dưới chân một chiếc cầu gần chùa Xuân Sơn và cắt đặt người lui tới giúp đỡ, chăm sóc cho thai phụ, chờ ngày khai hoa nở nhụy.

Về sau, sư Mộc Giả nhường chùa Xuân Sơn lại cho một người học trò họ Trương trụ trì, còn ông thì lặng lẽ đi về phương Nam tiếp tục cuộc đời tu hành của mình… Thời gian trôi qua, vị sư lập chùa có phải thật là sư Mộc Giả, người chịu mọi tiếng đời thị phi để cứu mạng sống của hai mẹ con thiếu phụ đa tình kia hay không thì chẳng ai biết rõ. Chỉ biết rằng, chùa Xuân Sơn và cầu Bà Bầu – tên gọi sau khi thai phụ đến ở chân cầu, vẫn tồn tại đến ngày nay.

Nguồn: Sưu tầm

Chia sẻ Truyện này