Đạt Ma Sư Tổ – ông tổ võ học Thiếu Lâm

Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ thứ 28 của Phật Giáo, ông là người có công mang kinh điển và giáo lý đạo Phật sang phát triển ở Trung Quốc, sau này ông trở thành sơ tổ của Thiền Tông Trung Hoa đồng thời là người sáng lập võ học Thiếu Lâm.

Tương truyền, sau khi đức Thích Ca Mâu Ni nhập tịch, Ngài đã truyền lại pháp ấn cho các đệ tử để lưu truyền mạng mạch phật pháp. Bát Nhã Đa La chính là vị tổ thứ 27, trong một lần đến nước Hương Chí đàm đạo với hoàng tử Bồ Đề Đa La, Ngài đã nhận hoàng tử làm đồ đệ đặt cho pháp danh là Đạt Ma. Về sau, Đạt Ma theo lời sư phụ mà sang vùng Đông thổ để hoằng dương chánh pháp và trở thành thủy tổ của Phật giáo Trung Quốc, cũng từ đó mà trở thành người truyền bá đạo Phật cho toàn phương Đông. Vào thời vua Lương Võ Đế, Đạt Ma đã ngồi thuyền cập bến Quảng Châu, dân Quảng Đông thấy ngài đen đúa như củ súng, tóc tai bờm xờm nên gọi là “Ma la xát”. Lúc ấy, Lương Võ Đế là người kính trọng Phật pháp đã mời Đạt Ma vào triều để thỉnh pháp. Thế nhưng vì tư tưởng của Lương Võ Đế quá trọng vào hình thức, vẫn chưa ngộ được nghĩa lý “sắc – không” của nhà Phật nên Đạt Ma đã rời đi. Sau khi Ngài đi, Lương Võ Đế đã hỏi một vị cao tăng bấy giờ pháp hiệu là Chí Công, vị hòa thượng nói với vua rằng đó chính là Quan Âm Đại Sĩ hiện thân truyền trao pháp khẩu, Lương Võ Đế liền sai người đuổi theo thỉnh mời nhưng quá chậm trễ, Đạt Ma đã lên thuyền đi Tung Sơn.

Lúc đi về phía Bắc băng qua sông Trường Giang sóng nước nổi lên cuồn cuộn lại không có thuyền bè qua sông, Ngài bứt nhánh cỏ lau quăng xuống nước rồi đạp lên, Đạt Ma cứ thế mà rẽ sóng đi qua bờ ngạn bên kia, người Trung Hoa bấy giờ nhìn thấy tin rằng ông chính là Bồ tát thị hiện. Sau khi đến Tung Sơn, Ngài vào động Thiếu Thất ở núi Ngũ Nhũ Phong mà quay mặt vào tường thiền định 9 năm, từ đó người đời gọi Ngài là “Quán Bích Bà la môn”. Đến nay, ở Trung Hoa vẫn còn tồn tại một pháp môn thiền định tên là “Đạt Ma diện bích công”. Lại nói, bấy giờ có vị sư pháp danh Thần Quang bị Diêm Ma Vương sai Hắc Bạch Vô Thường Quỷ đến báo rằng thọ mạng không còn bao lâu. Thần Quang vội vã đến tìm Đạt Ma xin được học pháp liễu sanh tử, vừa nghe ý cầu đạo của người kia Đạt Ma liền lặng im quay mặt vào tường mà tiếp tục nhập thiền. Ngài thiền hết 9 năm, vào mùa Đông năm ấy mới mở mắt xả định nhìn thấy Thần Quang vẫn đứng đó tuyết đã phủ qua gối, thấy được lòng cầu thị nên Đạt Ma cho phép bái sư đổi pháp hiệu là Huệ Khả.

Có rất nhiều truyền tích nói về việc Đạt Ma viên tịch, trong đó phổ biến nhất là việc tên quốc sư nhà Ngụy tên Bồ Đề Lưu Chi vì thấy danh tiếng Đạt Ma lẫy lừng nên sinh tâm ganh ghét đã nhiều lần cúng dường cho Ngài và lén bỏ độc vào vật thực. Sáu lần bị hại, Đạt Ma biết trong cơm có độc nhưng vẫn ăn sau đó nôn ra con rắn độc, cứ như vậy mà không hề hấn gì. Đến lần thứ 7 Lưu Chi rắp tâm hãm hại, Đạt Ma tự biết mình đã truyền thừa được tâm ấn là 4 cuốn kinh Lăng Già cho Huệ Khả, việc hoằng dương Phật pháp ở Đông thổ coi như viên mãn, Ngài an nhiên dùng món cơm chứa độc mà không hề nôn ra con rắn nào và cứ thế mà nhập tịch. Di cốt của Đạt Ma được an táng tại núi Hùng Lĩnh Sơn, tại đó được xây nên một ngôi bảo tháp, người dân truyền rằng vẫn thường thấy Đạt Ma ung dung đi dạo quanh đó, thần thái uy nghi, tay cầm thiền trượng. Câu chuyện viên tịch của Đạt Ma chưa dừng lại ở đó. Sử sách còn chép lại rằng, ba năm sau ngày Đạt Ma viên tịch, một vị quan nhà Ngụy tên là Tống Vân đi sứ Tây Vực khi qua ngọn Thông Lĩnh thì gặp một vị sư tay cầm chiếc giày đang đi như bay về hướng Tây. Tống Vân biết đó là sư Đạt Ma, từ Thiên Trúc đến Đông Thổ truyền pháp, mới chặn lại hỏi:

– Đại sư, pháp của ngài đã truyền cho ai rồi?.

Đạt Ma đáp:

– Sau này ngươi sẽ biết, giờ ta phải đi Thiên Trúc rồi!.

Nói xong, Đạt Ma bỏ chiếc giày đang cầm trên tay đưa cho Tống Vân, nói:

– Ngươi hãy dùng chiếc giày này mau trở về đi, chủ nhà ngươi khó mà qua được ngày hôm nay.

Ngẩn ngơ, Tống Vân từ giã Đạt Ma rồi hấp tấp trở về kinh thành thì quả thực vua Minh Ðế đã băng hà. Tống Vân thấy việc Đạt Ma nói rất đúng, nên đem Đạt Ma dự báo trước cái chết của Minh Đế tâu lên với vua Hiếu Trang mới vừa tức vị. Nhà vua không tin, cho lệnh tống giam Tống Vân vào ngục tối. Một thời gian sau, khi đã bớt giận, vua Hiếu Trang mới cho gọi Tống Vấn đến và hỏi rõ ngọn ngành. Tống Vân lúc này mới đem chuyện gặp Đạt Ma nói lại với vua. Vua nghe xong ra lệnh quật mộ Đạt Ma lên để kiểm chứng. Khi quan tài được mở ra, trong quan tài không có gì cả, ngoài một chiếc dày cũ.

Trong khu vực lăng mộ của Ðạt Ma, có tấm bia đá lớn, trên ghi những lời của Lương Võ đế Tiêu Khản đã ca tụng Ðạt Ma và những công đức của Người. Truyện kể, khi xưa, vì làm Người phật ý bỏ đi, vua Tiêu Khản rất hối hận, đã cho kẻ hạ thần đuổi theo, để thỉnh Người về, nhưng đã muộn vì Người đã quá giang sang tới nước Ngụy. Sau khi Ðạt Ma viên tịch, Lương Võ Ðế cho xây lên tấm bia thạch nói trên để kỷ niệm Người. Ngày nay, trên chùa Thiếu Lâm, trong ngôi “Thiên Phật Ðiện” có đặt thờ một phiến đá rất quý và linh thiêng, đó là tấm “Diện bích ảnh thạch”, đá cao ngoài thước tây, trên mặt đá có những đường chấm phá tự nhiên như bức tranh thủy mặc, miêu tả đầy đủ hình dong tướng mạo của Ðạt Ma. Theo truyền thuyết, trong suốt quá trình 9 năm trường ngồi ngó vách nhập định, hình hài Ðạt Ma đã được phóng xạ và ghi tạc lên phiến đá. Nghe nói, nếu ai có duyên may mắn, được kề cận bên tấm đá linh thiêng này để ngồi thiền, sẽ dễ dàng nhập được vào cuộc định, tựa như đã tiếp nhận được sự gia trì của Ðạt Ma Thiền Sư vậy.

Đến nay, mùng 5 tháng 10 âm lịch được xem là ngày Đạt Ma giáng thế tại Thiên Trúc, tín đồ Phật giáo một lòng chí thành kính bái Đệ Nhất Tổ Sư.

Share this post

Trả lời

Sidebar not configured yet. You can place widgets by navigating to WordPress Appearance > Widgets.

scroll to top