Nguyễn Minh Không người làng Đàm Xá, phủ Tràng An (Nam Ðịnh) tên là Nguyễn Chí Thành. Lúc nhỏ đi học, sẩy gặp Từ Đạo Hạnh, mới theo học đạo Đạo Hạnh hơn 40 năm. Đạo Hạnh khen là người có chí, cho ấn quyết và đổi tên là Minh Không Thiền sư, cho ở riêng một chùa Quốc Thanh.
Khi Đạo Hạnh sắp hóa bảo Minh Không rằng:
– Ngày xưa Phật Thế Tôn ta, đạo quả đã tròn, mà còn có báo Kim tỏa, huống chi lâu nay phép đạo suy mòn, thì ta giữ mình làm sao cho xiết được, kiếp sau ta ở ngôi nhân chủ, chắc là không khỏi bệnh nợ, ngươi nên nghĩ nghĩa thầy trò, đến bấy giờ hãy cứu cho ta.
– Ðến khi Đạo Hạnh hóa rồi Minh Không trở về quê nhà, cày cấy làm ăn, trụ trì hơn 20 năm, không cần tiếng tăm với đời.
Năm Thiên Chương Bảo Tự thứ tư đời vua Thần Tôn (1136) vua bổng sanh ra một bệnh dị kỳ, thuốc chữa thế nào cũng không khỏi tinh thần phiến loạn, tiếng gào thét kinh người (tục truyền vua hóa hổ) các thầy thuốc, có hằng nghìn muôn người, nhưng không ai biết chữa bằng cách nào cả.
Minh Không nghe tin làm vậy, mới chống gậy đến các chỗ trẻ con chơi, cho chúng ăn quà và dạy chúng nó hát rằng:
“Tập tành vông, có ông Nguyễn Minh Không chữa được Hoàng Thái tử”.
Dần dần đám trẻ nào cũng hát câu ấy, tiếng đồn đến triều đình. Triều đình sai sứ đi hỏi thăm, mà tìm được Minh Không, Minh Không thấy sứ giả đến triệu mình, mới thổi một nồi cơm con, cho bọn chèo thuyền cùng ăn.
Sứ giả nói rằng:
– Bọn chèo thuyền đông lắm, có một niêu cơm con thế kia, thì ăn làm sao?
Minh Không nói:
– Hãy cứ ăn đi, lúc nào thiếu sẽ hay.
Minh Không mới sai giở cơm ra rá, thì càng giở càng nhiều, h àng mấy trăm người ăn mà vẫn không hết. Chúng càng ngạc nhiên lấy làm lạ. Ðến lúc ăn xong, Minh Không bảo các quân chở thuyền rằng:
– Các anh hãy ngũ đi một lát, đợi lúc nào có nước chảy thủy triều lên sẽ đi.
Chúng nghe lời nằm ngủ cả trong thuyền, một lát tỉnh dậy thì thuyền đã ngược đến kinh đô rồi, ai nấy đều mừng rỡ cho là phép tài.
Minh Không đến kinh, các thầy thuốc cùng các phù thủy đang túc trực cả trên điện, mỗi người dùng một cách chữa bệnh cho vua, mà vẫn chưa thấy kiến hiệu. Trông thấy Minh Không đến, ăn mặc quê mùa cộc kệch, dân chúng ai cũng khinh bỉ không thèm chào hỏi đến. Minh Không lấy một cái đinh dài độ năm, sáu tấc, đóng lên trên cột nói to lên rằng:
– Hễ ai rút được cây đinh này ra, thì mới chữa được Hoàng đế.
Nói hai, ba câu, không ai thèm trả lời, Minh Không mới lấy hai ngón tay trái nhổ ra, cái đinh ấy bật ngay.
Minh Không đến tận trước mặt vua thét to lên rằng:
– Ðại trượng phu đã phú quý mà làm đến Thiên tử, sao lại còn cuồng loạn như thế?
Vua sợ hãi run lật bật, Minh Không sai lấy cái vạc to, đổ nước hòa thuốc vào đun lên, đun sôi một trăm lần, Minh Không ra tắm cho vua, tắm xong thì vua khỏi bệnh.
Vua khỏi rồi, phong Minh Không làm quốc sư, thưởng cho vài nóc nhà lấy thuế mà ăn.
Ðến năm Đại Định thứ hai Minh Không mất, bấy giờ đã 76 tuổi, Minh Không mất rồi thiêng lắm, nhiều sự hiển linh. Phàm dân xã cầu mưa đảo nắng tất nghiệm. Các chùa ở huyện Giao Thủy, huyện Phả Lại, đều tô tượng Minh Không để thờ cả.