Sự tích hoa Tuy Líp

2accss.jpg

Bạn đã có dịp được nghe hoa trò chuyện chưa? Còn tôi, thú thật là vào một sớm đầu xuân tôi đã tình cờ được nghe hoa Tuyết trò chuyện với hoa Tuy Líp của người Udơbếch rồi. Đúng hơn là hoa Tuy Líp nói, còn hoa Tuyết thì chỉ lắng tai nghe, thi thoảng mới ngắt lời bạn bằng một vài câu hỏi.

Nhưng tốt nhất là tôi sẽ kể lần lượt cho các bạn nghe mọi chuyện. Tôi đã được một người bạn gái tặng cho mấy hạt hoa Tuy Líp tìm được trên các sườn đá Derapsan. Về mùa Thu, tôi đem những cái hạt ấy trồng trong mảnh vườn bên cạnh bức tường nhà, gần một khóm hoa Tuyết.

Mùa Xuân, tuyết thường tan vào tháng ba, tiết trời ấm áp một cách đặc biệt. Tất cả các bông hoa Tuyết cũng như hoa Tuy Líp đều lần lượt nhú lên qua một lớp tuyết mỏng và hớn hở đón chào mùa xuân.

Vào một đêm tháng tư, tôi ngồi lại khá muộn trước một công trình mà tôi chỉ muốn làm cho xong ngay. Khi tôi đặt dấu chấm cuối cùng rồi ra mở cửa sổ, ngồi xuống chiếc ghế bành nghỉ xả hơi, hít thở luồng không khí trong lành thì ở phía chân trời đã rực lên ánh bình minh. Tôi chợt nghe có tiếng reo thanh thanh, thật tươi rói và dễ chịu, hệt như những chiếc ly pha lê chạm nhẹ vào nhau ở đâu đó.

– Xin chào – Bông hoa Tuyết khẽ lên tiếng.

Sau đấy là giọng đáp lại hơi khô một chút:

– Chào!

– Hẳn cậu là người ở xứ khác đến khu vườn nhà chúng tớ? – Vẫn giọng nói thanh thản hỏi.

– Lần đầu tiên tôi được nở hoa ở đây.

– Vậy, chúng ta quen nhau rồi nhé. Tôi là cây hoa Tuyết.

– Còn tôi là hoa Tuy Líp.

– Cậu từ đâu tới đây?

– Từ một miền xa lắm, có tên là Udơbêkixtan.

– Ồ, cậu ở xa thật đấy – Hoa Tuyết thỏ thẻ, làm như nó đã quá biết Udơbêkixtan ở đâu và xa xôi như thế nào – Theo phong tục của vườn nhà tớ, cậu cần phải kể cho tớ nghe về chuyện của đời cậu.

– Chuyện đời mình thì ngán ngẩm lắm – Hoa Tuy Líp thở dài. Chúng tôi đã truyền đời truyền kiếp kể cho nhau nghe để không một ai trong chúng tôi quên rằng, cô bé Tuy Líp đã phải gánh chịu những bông hoa của chúng tôi phải cháy lên ngọn lửa vĩnh cửu để tưởng nhớ ai… Một ngàn năm trước đây tại một thung lũng trong núi

Derapsan có một người sống bằng nghề chăn cừu tên là Xabiđan. Ông sống rất cực khổ vì đàn cừu ông chăn dắt không phải là sở hữu của ông mà là của điền chủ Hamít. Xabiđan chỉ có đôi cánh tay lực lưỡng, một cây sáo tự khoét lấy và bảy cô con gái mắt đen huyền. Cô út có tên gọi hơi khác thường: Tuy Líp. Xabiđan rất yêu quí các con gái của mình, xong cũng đã nhiều lần ông than thở :

– Ôi, giá ta có đứa con trai….

– Vì sao ông ta lại thích con trai hơn? – Cây hoa Tuyết hỏi.

– Vì đối với một người cha, con trai giống như đôi cánh. Còn con gái… con gái rồi sẽ đi lấy chồng, sẽ bỏ cha và để lại cho trái tim ông nỗi đơn độc và buồn rầu.

Một hôm, cô út và là cô gái đẹp nhất của người chăn cừu – nàng Tuy Líp mười tuổi, mang bữa ăn trưa đến cho cha. Để cho người cha đang mệt mỏi được khuây khỏa, nàng bèn cất tiếng hát những bài hát nàng tự nghĩ ra và nhảy những điệu múa trông thật uyển chuyển và đẹp mắt. Đôi gò má nàng cứ hồng hào thêm lên, và cặp mắt đen láy thì sáng rực như hai vì sao, không một công chúa nào có thể sánh được.

Đúng giờ khắc ấy, số phận cay nghiệt đã phái điền chủ Hamít cưỡi một con ngựa hùng dũng đến trước đàn cừu. Vừa trông thấy nàng Tuy Líp nhảy múa, gã bèn dừng ngựa lại, nấp sau mấy bụi cây nhỏ theo dõi từng động tác nhảy tuyệt diệu của cô gái kiều diễm.

Nhảy xong Tuy Líp nói với cha:

– Cha ơi, con muốn được múa hát cả đời để cho mọi người được vui sướng.

– Ôi, con yêu quí của ta – người cha lắc đầu – Con là một cô gái nghèo hèn, kiếm đâu ra những xiêm áo lụa là và những bộ y phục múa trong suốt?

Hamít rình chờ cho đến khi cô gái mang bát đĩa về nhà thì xông ra túm lấy cô đưa cô về dinh cơ nhà mình. Gã đẩy Tuy Líp vào một căn phòng kín, ở đó đã có hàng trăm cô gái đẹp đang dệt thảm. Suốt từ lúc mặt trời mọc cho đến tận hoàng hôn, Tuy Líp dầm mình trong đám bụi nhuế nhóa với công việc dệt thảm tẻ ngắt và mệt mỏi. Một mùa Hè tối tăm và tuyệt vọng đã qua. Rồi mùa Thu và mùa Đông cũng chấm hết. Nhưng khi mùa Xuân vừa đến thì nỗi buồn nhớ núi non, nhớ những con suối chảy rì rào và tiếng chim ca bỗng dày vò Tuy Líp khôn nguôi, khiến nàng phải đi đến quyết định : Hoặc là chết hoặc là trở về với tự do.

Một bữa nọ, cô gái lại bên cửa sổ phóng tầm mắt qua lỗ khe nhỏ nhìn xuống phía dưới. Nàng phát hiện ra ở ngay dưới chân cửa sổ có vô số những mảnh chai, kính vỡ – đó chính là cái bẫy, nếu tù nhân nữ nào liều mạng phá cửa sổ bỏ trốn thì sẽ bị cứa đứt chân.

Đúng lúc đó có một con chim bay đến đậu ngay bên bệ cửa sổ – đấy chính là con bồ câu trắng của người chị cả tên là Phairidôđa.

Làm thế nào để báo tin về nhà đây? Tuy Líp không biết viết, thậm chí ở nhà cũng chẳng ai biết đọc. Cô vội vã cắt ngay một mớ tóc đen của mình, dứt một vài sợi quí vẫn thường dùng để dệt thảm rồi chuyển qua khe hở cho chú bồ cầu tin cẩn. Chim tạm biệt nàng, bay đi.

Khi nhận được tin em út, Phairidôđa nghĩ nát óc tìm cách cứu em gái. Cuối cùng nàng đến gặp bà lão Turơxun. Bà lão sống đơn độc trong túp lều rách nát, ngày ngày kiếm cây cỏ làm thuốc chữa bệnh. Tương truyền Turơxun có thuốc phục sinh.

Turơxun nghe hết chuyện Phairidôđa kể, bà liếc nhìn mặt trăng rồi lầm bầm khấn:

– Tự do không phải thứ quà tặng mà phải đánh đổi nó bằng máu.

– Bằng máu của Tuy Líp ? – Phairidôđa sợ hãi kêu lên.

– Phải, bằng máu của Tuy Líp, bằng máu của tất cả bảy chị em nhà ngươi. Mà không chỉ có thế, còn bằng chính cả máu của tất cả những người bạn quí, của những đứa bé nghèo nàn của các ngươi nữa. Hãy nghe ta nói đây.
Sau hai đêm nữa, đến đêm thứ ba, khi mặt trăng bắt đầu mọc lúc nửa đêm, Hamít sẽ tổ chức tại dinh cơ nhà lão một bữa đại tiệc. Như thường lệ, bọn lính gác bao giờ cũng là những kẻ bị chuốc rượu say trước nhất, mặc dù sáng hôm sau họ phải trả giá bằng một cái đầu. Ngay đêm ấy, trước lúc trăng lên, chị em các ngươi và các bạn gái của Tuy Líp phải lọt được vào dinh cơ, còn chim bồ câu sẽ chỉ cho các ngươi cửa sổ phòng giam các cô gái. Hãy đi chân đất đến gần cửa sổ mà mở ra. Ta nói là phải đi chân đất. Bàn chân các ngươi sẽ bị thương vì mảnh kính. Bây giờ ta sẽ nói tại sao. Hamít nhanh chóng phát hiện ra bầy nô lệ của gã chạy trốn và gã sẽ đuổi theo. Căn cứ vào một vài vết máu, gã có thể biết một cách rõ ràng bầy nô lệ trốn đi đâu, nhưng nếu dấu vết đó lại quá nhiều thì gã sẽ lúng túng, trong khi đó có người lại đang leo lên một sườn dốc đứng mà ngựa của gã không leo được.
Phairidôđa làm tất cả những việc mà Turơxun chỉ vẽ. Những tên lính canh bị chuốc rượu say mềm không còn nhận ra các cô gái đang lén lút bỏ trốn. Sau khi bị mảnh kính cứa nát bàn chân, các cô mở cửa sổ ra và khẽ gọi Tuy Líp. Tuy Líp nhảy ào qua cửa sổ, mặc dù hai bàn chân bị thương đau nhói nàng vẫn không dám kêu ca. Các bạn gái của nàng cũng chịu những đau đớn như thế.
Các cô gái chạy toán loạn theo sườn núi. Dù hai bàn chân bị thương, phải chạy một cách khó khăn, các cô vẫn không dám rên rỉ, vì nếu để lộ, các cô sẽ mất tự do, một món quà mà các cô phải đổi bằng một giá quá đắt. Các cô cứ men theo sườn núi đá còn phủ tuyết mà chạy cho đến khi nghe rõ những tiếng vó ngựa dồn dập.

– Hamít đang đuổi theo chúng ta đấy! – Tuy Líp hét lên, giục mọi người – hãy chạy nhanh lên!

Các cô gái chạy trốn dường như có gió giúp sức cho họ. Tuy vậy Tuy Líp đã bắt đầu đuối sức, nàng bị rớt lại sau. Ngựa của Hamít đã ập đến sau lưng nàng. Chẳng lẽ nàng lại trở thành tù nhân của gã điền chủ không đội trời chung này, và lại không được trông thấy mặt trời cùng núi rừng nữa hay sao? “Không, thà chết trong tự do còn hơn là sống đời nô lệ!” Và, thế là Tuy Líp gieo mình xuống dưới vó ngựa. Cả bốn vó ngựa xéo lên người nàng, nhưng chính con vật đã bị khuất và bị gẫy một chân. Hamít bị thương lết về nhà lúc trời còn chưa sáng, hối hả giục lũ gia nhân đuổi bắt những kẻ trốn chạy.

Tuy Líp người đẫm máu cố gượng đứng lên, nhưng mới đi được vài bước, nàng đã khựng lại và ngã sấp xuống tuyết.

Sáng hôm sau, Hamít cùng lũ lâu la mò lên đỉnh núi cao tuyết phủ. Trước mắt chúng hiện ra một cảnh tượng kì lạ: trên bãi tuyết trắng lạnh có cơ mang những bông hoa đỏ đã bừng nở.

– Chuyện đời tôi như vậy đấy, do đó tại sao tôi lại có tên là Tuy Líp. Tuy Líp nói xong liền im lặng. Cây hoa Tuyết cũng lặng thinh.

Tôi cảm thấy sống lưng ớn lạnh. Tôi đứng dậy lấy khăn chùm kín cổ, bước ra vườn.

Lạ chưa kìa, những bông tuyết mảnh mai kia đã kịp rơi xuống và trải khắp khu vườn một lớp trắng mỏng tự khi nào vậy? Còn một chậu hoa, gần bức tường nhà có một bông Tuy Líp đỏ rực đã nở hết cỡ. Tôi cúi xuống và phát hiện ra một giọt nước mắt khá to, trong suốt, dính chặt vào chiếc cánh dưới của bông hoa Tuyết.

Share this post

Trả lời

Sidebar not configured yet. You can place widgets by navigating to WordPress Appearance > Widgets.

scroll to top