Thuở đời quá khứ, tại Diêm Phù Ðề này có một vị Quốc Vương tên Tát Bá Đạt, thống lãnh trọn một quốc độ lớn mà cai trị, tiếng nhân hiền đồn dậy bốn phương chỗ bố thí khắp trùm trăm họ. Ðến đỗi tất cả mọi người ai muốn thọ dụng món chi, cứ đi ngay vào đền mà trình bày, thì thảy đều tùy tiện theo chỗ khuyết điểm của cá nhân mà chu cấp, chứ Vua không lẫn tiếc chút nào, bởi vậy lúc bấy giờ những người cô bần đều nhờ dư phước mà đặng phần tự tại.
Khi ấy, thiên thần quan sát thấy vậy bèn vào tâu với Đế Thích rằng: “Tại cõi Diêm Phù Ðề có vị Quốc Vương tên là Tát Bá Đạt, ngôi cao phước lớn, đức hạnh hoàn toàn, ơn nhuần rộng khắp. Tôi sợ vị Quốc Vương ấy nhờ công đức đó, đến khi mạng chung chắc sanh về cõi trời mà làm chức lớn”.
Đế Thích nghe tâu, thì có ý sợ ngày sau mất ngôi, nên kiếm cớ thử lòng Vua Tát Bá Đạt.
Ðoạn rồi Ngài mới bảo Biên Vương rằng:
– Nay tại cõi Diêm Phù Ðề, có một vị Quốc Vương tên là Tát Bá Đạt, chỗ phổ tế đượm nhuận lê thứ và lòng ví hoài vời vợi vô cùng, ta sợ nhờ phước quả to tát đó mà đoạt ngôi Thiên Vị của ta.
Vậy nhà ngươi biến hóa làm một con bồ câu, bay xán xả đến bên mình Vua, rồi giả đò bị nạn mà yêu cầu khẩn thiết xin cứu mạng. Nếu Vua có lòngtừ bi thì thế nào cũng che chở cho nhà ngươi. Còn phần ta thì hóa làm con ó bay theo sau, cứ nằng nặc quyết một lòng đòi Vua trả bồ câu lại mà ăn thịt. Thoảng như ý Vua là bậc chân chánh, chịu lắt thịt của mình cân cho bằng thịt con bồ câu mà đổi, thì ta mới bằng lòng. Khi cân thịt đó thì ngươi dùng thần biến làm con bồ câu nặng trĩu, dẫu có lắt hết thịt người thì cũng không đủ. Hễ thịt hết thì phải đau nhức, phải hối hận, nếu y có hối hận, thì chỗ chí hướng không thành tựu. Chừng đó ta sẽ an hưởng nơi cõi trời này đời đời, không ai tranh giành nữa.
Đế Thích bàn tính kế hoạch xong, bèn hóa ra một con ó, còn Biên Vương thì hóa con bồ câu mà bay đi.
Ðây nói về Vua Bá Đạt đang đứng nơi chốn hoa viên với người tôi thị thần mà hóng mát, bỗng đâu con bồ câu bay xán xả rớt ngay bên chân, rồi ra bộ sợ sệt mà nói hớt hải rằng:
– Ðại Vương ơi! Xin thương đến mạng tôi đương lúc nguy biến này, vì con ó rượt bắt tôi mà ăn thịt. Xin Ngài mở lượng từ bi ra tay tế độ, ơn ấy nguyện ngậm vành về sau mà đền đáp.
Vua Tát Bá Đạt thấy tình cảnh của loài phi điểu như vậy thì động mối từ tâm liền nói rằng:
– Không sao đâu! Không sao đâu! Có ta cứu ngươi được bảo toàn tính mạng.
Vua nói vừa dứt lời, kế con ó bay đến mà kêu nài rằng:
– Xin Ðại Vương thả con bồ câu ra, vì nó là miếng mồi của tôi ăn thịt.
Vua Tát Bá Đạt nghe con ó năn nỉ hoài thì trả lời lại rằng:
– Số là con bồ câu đến đây yêu cầu ta cứu mạng mà ta đã hứa rồi, nên phải thủ tín, như nhà ngươi có nói vậy, thì ta đem thịt khác mà thường lại hơn gấp bội nữa.
Con ó liền đáp lại rằng:
– Tôi chỉ muốn ăn thịt con bồ câu đó mà thôi, chớ không chịu dùng thịt nào khác đâu! Ðại Vương là bậc sang cả, nỡ nào đoạt món ăn của tôi cho đành.
Vua Tát Bá Đạt nghe con ó nói một cách khẳng khái như vậy, thì lật đật an ủi:
– Bởi vì ta đã hứa cứu mạng con bồ câu, thì ta phải nhớ lời. Vậy bây giờ ngươi muốn dùng thịt chi cho ta biết, thì ta y theo cho vừa lòng ngươi chớ không có chút gì chấp nệ, miễn là để con bồ câu được toàn tánh mạng mà thôi.
Con ó nghe Vua đáp lại như vậy thì chi xiết nỗi vui mừng liền trả lời:
– Nếu Ðại Vương có lòng từ huệ muốn cứu giúp tất cả chúng sanh thì xin lắt thịt nơi mình của Ðại Vương đó đem ra cân cho bằng con bồ câu thì thôi, trước là cứu tôi khỏi sự đói khát, sau cứu con bồ câu kia đặng toàn tánh mạng. Như vậy cả hai đều tiện lợi cả.
Vua Tát Bá Đạt nghe con ó kêu nài như vậy, thì trúng cái bản nguyện của mình bèn đáp:
– Hay lắm! Hay lắm! Ta không có lẫn tiếc khối huyết nhục này đâu.
Vua liền bảo thị thần đem gươm và cân ra hoa viên bè bắt con bồ câu để đứng trên giá cân này, rồi cầm gươm thẻo thịt của mình để lên giá cân kia, song thẻo bao nhiêu thịt thì cũng vẫn không cân bằng.
Vua thấy vậy lắt hết thịt cả mình mà cũng thấy thiếu mãi, đến nỗi mình mẩy lòi xương mà cứ tự nhiên không có gì nhút nhát.
Vua Tát Bá Đạt bèn dạy bảo thị thần rằng:
– Mau giết ta đặng lấy cốt tủy cân cho đủ tịt con bồ câu kia, bởi vì ta thuận theo trong giới luật chân chính của Chư Phật, nguyện phổ tế sự nguy ách cho chúng sanh.
Chừng đó Đế Thích và Biên Vuơng thấy sự xả thí của Vua chẳng có chút nào dời đổi, nên cảm phục lòng tử tế không ai sánh bằng, và hườn lại bổn thân rồi đến trước mặt Vua cúi đầu bạch rằng:
– Chẳng biết Ðại Vương muốn hy cầu sự chi mà chí hướng rất cao thượng, đến đỗi thân hình khổ não như thế mà không có chút nào thối chuyển xin nói cho anh em tôi biết.
Vua Tát Bá Đạt đáp lại rằng:
– Tôi sở dĩ bố thí đầy bổn ý chẳng phải hy cầu những điều phước báu nơi cõi nhân thiên hay là các ngôi Hoàng Ðế phi hành! Vì tôi thấy chúng sanh cứ lặn hụp nơi ô trược chẳng nghĩ đến ngôi Tam Bảo và chẳng tưởng giáo lý của Phật, mãi buông lung làm các việc bạo ngược, thường bị gieo mình trong ngục hỏa trạch mà không thức tỉnh hồi đầu chút nào, nên tôi thương xót vô cùng, thề nguyện cầu được đến chỗ chứng ngộ mà cứu vớt chúng sanh đem lên cảnh an vui tịch tịnh. Bởi thế, nên dầu chỗ sở hành của tôi rủi có vong thân tánh mạng đi nữa thì cũng cương quyết cho đến cùng chớ không bao giờ thối chuyển.
Đế Thích và Biên Vương nghe nói cả kinh và tự hối rằng:
– Theo ngụ ý của chúng tôi tưởng Ðại Vương muốn đoạt ngôi thiên vị, cho nên mới lập kế mà nhiễu hại ra nông nỗi này. Bây giờ chúng tôi mới rõ bản nguyện cao cả của Ngài thì biết phương pháp gì mà sám hối cái tội ác này cho đặng!
Vua Tát Bá Đạt nói:
– Các Ngài biết mình làm việc sai quấy, nay muốn sám hối tội lỗi, vậy thì làm sao cho mấy chỗ dấu cắt trong thân thể tôi lành lại như cũ.
Đế Thích nghe nói vui mừng, tức thời khiếc các vị Thiên Y và Thần Y đồng đến điều trị cho Vua.
Linh nghiệm thay! Ban đầu thoa thuốc vào, thì thấy mấy chỗ vết thương đều phát động, phút chốc thoạt nhiên bình phục lại như cũ, thân thể hình dáng có vẻ càng tốt đẹp hơn xưa.
Lúc ấy, Đế Thích và Biên Vương đồng cúi đầu từ tạ và đi giáp vòng ba lần rồi bái biệt trở về bổn vị.
Sau đó Vua Tát Bá Đạt về triều thuật chuyện ly kỳ đó cho bá quan và phu nhân nghe, thì tất cả đều tán thán xưng tụng.
Từ đó sắp sau, Vua càng bố thí hơn trước đến bội phần, thành thử cả quốc độ gió thuận mưa hòa, ruộng nương thạnh mậu, thật là một thời kỳ nước trị dân an.
Nguyên vị Quốc Vương Tát Bá Đạt lắt thịt cứu con bồ câu nói trên đây, chính là tiền thân của Phật Thích Ca vậy