Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, mọi người dân Việt ở bất cứ nơi đâu trên địa cầu này cũng đều nô nức, hân hoan chào đón mùa xuân nhân loại.
Khi đến chùa vào ngày mùng một tết nguyên đán người ta lại để băng rôn “Mừng Xuân Di Lặc“?.
“Bụng to, má núng đồng tiền
Vây quanh sáu trẻ ngửa nghiêng reo hò”
Khác với Nhiên Đăng Cổ Phật đại diện cho quá khứ, Đức Thích Ca đại diện cho hiện tại, thì Phật Di Lặc chính là vị phật đại diện cho vị lai. Theo kinh điển Phật giáo vào khoảng 56 ức 7 nghìn vạn năm nữa, khi Phật pháp đã hoàn toàn bị người đời lãng quên, con người sống trong tội lỗi, Phật Di Lặc sẽ giáng sinh, một lần nữa đẩy bánh xe Phật pháp lăn trên cõi ta bà, giáo hóa chúng sanh.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói rằng: ngày mùng một tháng giêng là ngày kỷ niệm vía đức Di Lặc Bồ Tát, và sau này ngài sẽ là người giáo hóa ở Hội Long Hoa. Cho nên chúng ta thường nghe câu tán thán và đãnh lễ ngài trong những ngày đại lễ quan trọng này là: “Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ, Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật”. Câu này xác định rằng: đức Di Lặc sẽ là vị Phật tương lai, được đức Phật Thích Ca thọ ký cho ngài sau khi thành Phật ở thế giới Ta bà này để tiếp tục giáo hóa độ sinh.
Từ những kinh điển cổ của Phật giáo đã có ghi chép tiên đoán về sự ra đời của Phật Di Lặc, như trong kinh Di Lặc Hạ Sinh có chép: “Hiện nay đức Di Lặc đang ở nội viên cung trời Đẩu Xuất, đợi đến khi thế giới này hết kiếp giảm thứ chín, đến kiếp tăng thứ mười, lúc ấy ngài sẽ hóa thân xuống cõi trần này trong nhà của một vị Bà La Môn tên là Tu Phạm Na. Khi sanh ra Ngài có nhiều tướng tốt, đức hạnh vẹn toàn, thông minh quán chúng, lớn lên ngài xuất gia tu hành, đến núi Kê Túc để nhận lãnh Y Bát của đức Phật Thích Ca, do Tổ Ma Ha Ca Diếp trao lại. Rồi Ngài đến ngồi dưới gốc cây Long Hoa dùng Kim Cang trí trừ sạch vô minh, chứng đắc Vô Thượng Bồ đề. Rồi Ngài bắt đầu thuyết pháp tại Giảng đường Hoa Lâm dưới cây Long Hoa. Hội thứ nhất độ được 96 ức người thành A la Hán. Hội thứ hai độ được 94 ức người thành A La Hán. Hội thứ ba độ 92 ức người thành A La Hán. Ngài thuyết pháp đến sáu vạn năm, hóa độ vô số chúng sanh tu hành thoát khổ”.
Tuy sẽ đản sanh trong tương lai nhưng trước đó vẫn có những vị mà người đời coi là hóa thân của ngài, Phật giáo đại thừa coi A-dật-đa (một vị đệ tử của Đức Phật) chính là phật Di Lặc sau này, hay như bên Trung Quốc người ta coi Ngài Tăng Can ở gần chùa Quốc Thanh đời nhà Tùy và Bố Đạ Hòa Thượng – một vị thiền sư sống vào thế kỷ thứ 10, đều là các chuyển thân của Di Lặc. Và hình ảnh phật Di Lặc mà ta thường thấy trong các bức tượng ở các chùa, với hình dáng của một ông Phật phúc hậu, ngồi phanh ngực, miệng cười toe toét, tròn trĩnh như có thể lăn được vài chục mét chính là hình ảnh của Bồ Đại Hòa Thượng ( có nguồn cho là hình ảnh của La Hán Bố Đại ) vì trước khi Ngài thị tịch, ngài đã làm một bài kệ với ngụ ý mình chính là Di Lặc, vì vậy người Trung Quốc (ảnh hưởng lên Việt Nam) đời sau đều tạc tượng Di Lặc theo hình ảnh của Hòa Thượng Bố Đại. Bên cạnh đó vẫn có những người tự xưng mình là Phât Di Lặc với mục đích xấu như năm 689, Võ Tắc Thiên đã hạ lệnh cho Pháp Lãng ngụy tạo Đại Vân Kinh, cho rằng Võ Hậu là Di-lặc hạ sanh. Khoảng năm 713-755, Vương Hoài Cổ cũng tự xưng là Tân Phật (Phật Di-lặc) rồi khởi binh làm loạn, năm 1022-1063 đời Bắc Tống, Vương Túc thống lãnh giáo đồ Di-lặc làm phản ở Bối Châu…
Phật Di Lặc được coi là sẽ hạ sanh vào ngày mùng một tháng một âm lịch, các phật tử mừng “Xuân Di Lặc” ngoài việc chào mừng lễ đản sanh của Phật, còn với một mong ước một năm tu tập thành đạt, sớm tu chánh quả, còn với người dân thì mong được một năm sung túc, an lành, được Phật độ trì.